Laocaitv.vn - Chợ phiên là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao. Tại Lào Cai, có nhiều chợ phiên nổi tiếng, để lại dấu ấn sâu sắc với du khách gần xa. Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, các chợ vùng cao cũng đang dần thay đổi diện mạo, hiện đại và văn minh hơn. Vậy nhưng để giữ được những nét văn hóa truyền thống của các phiên chợ vùng cao trong sự phát triển ấy là vấn đề cần được quan tâm hiện nay.
Chợ phiên Bắc Hà họp vào ngày cuối tuần, được ví như một bức tranh rực rỡ với những sắc màu truyền thống. Đó là những gian hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu; những chén rượu ngô trong vắt, thơm nồng; những mặt hàng nông sản do chính tay bà con nông dân làm ra...
Ở mỗi phiên chợ vùng cao, không có sự phô trương cầu kỳ. Mỗi sản phẩm, sản vật của địa phương mà bà con mang đến bày bán ở chợ luôn là sự kết tinh trong lao động, sự cần cù chịu thương chịu khó của người dân vùng cao.
Quang cảnh chợ phiên vùng cao Bắc Hà.
Người dân vùng cao đi chợ phiên không chỉ để trao đổi mua bán, mà còn để gặp nhau trò chuyện sau những ngày lao động sản xuất vất vả. Đối với những chàng trai, cô gái dân tộc thiểu số, chợ phiên lại là dịp gặp gỡ, tâm tình. Còn du khách đến đây để thưởng thức những món ăn đặc trưng chỉ vùng cao mới có, được tận mắt thấy những cảnh tượng hết sức thú vị và hấp dẫn.
Cuộc sống của người dân vùng cao ngày càng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng lên. Cùng với đó, khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp tại các địa phương, tiêu chí chợ nông thôn cũng được quan tâm thực hiện. Các chợ vùng cao từ đó cũng được quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, phát triển chợ, nhất là chợ văn hóa ở vùng cao cũng cần phải tính đến bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo tồn không gian truyền thống.
Các gian hàng bày bán sản phẩm thủ công ở chợ phiên vùng cao luôn thu hút sự tò mò của các vị khách nước ngoài.
Tại Lào Cai, ngoài chợ Bắc Hà, còn có nhiều chợ phiên nổi tiếng như chợ Cán Cấu ở Si Ma Cai, chợ Pha Long ở Mường Khương hay chợ Mường Hum ở Bát Xát. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của chợ vùng cao trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lào Cai đã và đang triển khai phương án bảo tồn không gian văn hóa chợ phiên, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn thông qua hoạt động tham quan trải nghiệm cho du khách. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần quan tâm nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại các chợ phiên, nâng cao giá trị thương hiệu các mặt hàng truyền thống và sản vật địa phương phục vụ du khách.
Thu Hường – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết