Bảo tồn văn hóa truyền thống của người La Chí ở Bắc Hà

11:53 28-07-2023 | :496

Laocaitv.vn - Di cư đến Lào Cai từ những năm 60 của thế kỷ trước, người La Chí sống chủ yếu tại các thôn: Nậm Táng, Nậm Khánh, Mào Phố, xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà và thôn Hoá Chư Phùng, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai. Qua thời gian, bản sắc văn hoá của đồng bào có phần dần mai một. Vậy nên, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống của người La Chí đang được ngành chuyên môn, địa phương quan tâm.  

 Cá, chim và chuột là 3 lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng Khu Cù Tê. 

Khi tiết trời vào thu mát mẻ, ít bận rộn, bản của người La Chí ở Nậm Khánh lại tưng bừng tổ chức tết Khu Cù Tê để tưởng nhớ tổ tiên, cầu cho làng bản, gia đình ấm no hạnh phúc, cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu. Cá, chim và chuột là 3 lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng Khu Cù Tê. Ông Vương Đức Thanh, Thôn Nậm Khánh, xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà tâm sự: “Cá thì ông cha mình cúng như thế mình phải dùng để dâng lên tổ tiên. Riêng chuột thì nó cắn phá thóc lúa của mình thì mình phải cúng, để nó không cắn nữa, làm lúa mới tốt được”.

Thôn Mà Phố, xã Nậm Khánh rộn ràng, nhộn nhịp với lễ tái hiện, trình diễn tết Khu Cù Tê.

Thôn Mà Phố, xã Nậm Khánh hôm nay rộn ràng, nhộn nhịp với lễ tái hiện, trình diễn tết Khu Cù Tê. Lần đầu tiên bà con trong thôn, trong xã ăn Tết tháng 7 tập trung. Sau phần lễ là hội thi thổ cẩm, hát đối giao duyên và các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đu quay, mang đến một không khí vui tươi nơi bản nhỏ này. Chị Vàng Thị Xá, thôn Mà Phố, xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà chia sẻ: “Mọi năm thì nhà nào cúng ở nhà đó. Năm nay tập trung tất cả các thôn, các xã đến dự và tham gia lễ hội. Ngày hôm nay, em được tham gia nhiều hoạt động, em thấy rất vui”.

 Lần đầu tiên bà con trong thôn, trong xã ăn Tết tháng 7 tập trung. 

Tết Khu Cù Tê được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn để gìn giữ di sản này trong cuộc sống hiện đại. Số người làm nghề thầy cúng và biết cúng hiện không nhiều; các thể loại vũ nhạc như: dân ca, trống, chiêng cũng không còn nhiều người biết đến. Vậy nên, việc bảo tồn, khôi phục đang được quan tâm. “Chúng tôi đã tiến hành khảo sát rất kỹ, xin ý kiến của người dân, sau đó xây dựng kế hoạch và được sự đồng thuận của các đồng chí lãnh đạo trong huyện. Chúng tôi đã mời nghệ nhân được công nhận là nghệ nhân ưu tú bên Hà Giang sang để khôi phục lại các nét truyền thống văn hoá”, ông Bùi Văn Vinh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bắc Hà cho biết.

Người La Chí ở Bắc Hà vẫn trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm để may trang phục.

Những cái Tết cổ truyền cũng rộn rã, đông vui và ý nghĩa hơn. Sự vào cuộc của ngành chuyên môn và địa phương giúp bà con thêm hiểu, thêm yêu những giá trị văn hóa, đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng quê hương no ấm./.

Thu Hường – Tuấn Nam

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết