Chi hội Văn nghệ dân gian: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Lào Cai

08:45 29-04-2020 | :1368

Laocaitv.vn - Năm 1996, Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Lào Cai được thành lập. Với tôn chỉ, mục đích là "Sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy vốn văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam", những người hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ dân gian ở Lào Cai lặng thầm tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu về những giá trị vật thể, phi vật thể được lưu truyền trong dân gian.

Lễ hội xòe.

Là một tỉnh đa sắc tộc, đa văn hóa, với 26 di sản, Lào Cai dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa phi vật thể. Với 46 di tích, danh thắng được xếp hạng, cùng hàng chục lễ hội dân gian truyền thống ở các địa phương, tỉnh Lào Cai đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Có được kết quả đó là công sức của toàn ngành Văn hóa, trong đó, có Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Lào Cai. Trong 5 năm qua đã có 46 công trình nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian đã xuất bản. Cùng với đó là nhiều công trình của các hội viên được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành uy tín. Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: "Sở dĩ đạt được như thế là do các hội viên đều đam mê, yêu nghề, có như vậy mới khắc phục được khó khăn, mới làm được các công trình như thế và một lý do nữa là tỉnh Lào Cai có thể coi là mỏ vàng của văn học dân gian, vì có nhiều dân tộc, nhiều bản sắc dân tộc".

Điểm nổi bật trong công tác nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian Lào Cai những năm gần đây là sự mở rộng phạm vi, đối tượng nghiên cứu, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu và sưu tầm. Một số tộc người có dân số ít, có nguy cơ mai một văn hoá truyền thống đã được nghiên cứu, sưu tầm. Trước đây các tác giả mới chỉ tập trung sưu tầm truyện cổ, dân ca, thì hiện nay đã mở rộng nghiên cứu, sưu tầm các thành tố khác của đời sống như: Tri thức dân gian trong canh tác nương rẫy, săn bắt, hái lượm, nghề thủ công, trang phục, kiến trúc, lễ cưới, lễ tang, lễ cúng rừng, ẩm thực truyền thống… Tiến sỹ Dương Tuấn Nghĩa, Chi hội Trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai cho biết: "Các hội viên trong Chi hội chúng tôi bao giờ cũng đặt ra là hãy đến với những dân tộc nào khó khăn nhất, ví dụ như dân tộc Xa Phó, đây là nhóm dân tộc ít người của tỉnh Lào Cai, nơi cư trú của họ cũng ở những nơi rất khó khăn. Chúng tôi đến tìm hiểu về văn hóa của họ, xây dựng thành những công trình nghiên cứu có giá trị lưu giữ mãi mãi".

Các cán bộ Chi hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Lào Cai trao đổi các đề tài nghiên cứu.

Bên cạnh việc sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn các công trình, các hội viên Chi hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Lào Cai còn là lực lượng nòng cốt đi đầu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong 5 năm qua, các hội viên đã xây dựng 21 hồ sơ khoa học di sản phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó, Chi hội cũng luôn chú trọng thực hiện chính sách tôn vinh nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, toàn tỉnh đã có 16 nghệ nhân được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và 19 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây chính là đội ngũ quan trọng, có vai trò và công lao to lớn trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy vốn văn nghệ dân gian.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là với một tỉnh có ngành du lịch phát triển như Lào Cai, thì văn hoá dân gian đã trực tiếp nhập cuộc với cuộc sống sôi động. Người làm công tác nghiên cứu sưu tầm vừa chắt chiu miệt mài đi tìm ngọc, vừa năng động ứng dụng kiến thức vào thực tiễn./.

 Nguyễn Huyền – Thanh Tùng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết