Độc đáo Lễ cầu làng của người Dao họ

10:12 29-08-2020 | :1649

 

Laocaitv.vn - Lễ cầu làng hay còn gọi là "Áy lay" của người Dao họ là một nét văn hóa tâm linh đặc sắc, đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Mỗi năm, người Dao họ ở Văn Bàn đều tổ chức Lễ cầu làng 3 lần vào dịp mùng 2/2, mùng 6/6 và 12/12, trong đó lễ cúng ngày mùng 6/6 được tổ chức lớn nhất.

Mặc dù Lễ cầu làng được tổ chức nhiều lần trong năm, nhưng nội dung và diễn trình của nghi lễ lại tương đối thống nhất, mang ý nghĩa cầu và tạ ơn thần linh ban cho con người sức khỏe, bản làng hạnh phúc, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, xua đuổi mọi dịch bệnh và những gì không may mắn ra khỏi làng. 

Người dân chuẩn bị mang lễ vật vào khu vực rừng thiêng để làm Lễ cầu làng.

Trước ngày diễn ra Lễ cầu làng, chủ làng chọn ngày tốt, lựa chọn thầy cúng có uy tín, được người dân trong làng tín nhiệm. Thầy cúng phải mặc trang phục truyền thống, mang sách cúng để thực hiện nghi lễ. Lễ cúng sẽ được tổ chức ở khu vực rừng thiêng của cả thôn. 

Quy định trong một Lễ cầu làng cần ít nhất 3 vật sống để dâng cúng thần linh. Tuy nhiên, thông thường các gia đình đều dâng cúng lên thần linh khoảng 6 vật sống gồm 1 con lợn và 5 con gà. Các vật phẩm ở lễ cúng đều do người dân chăn nuôi sản xuất.

"Từ sáng sớm người dân đã tập trung ở nhà chủ làng chuẩn bị lễ vật để mời thầy đến cúng. Ý nghĩa của bài cúng là cầu cho mọi người luôn mạnh khỏe, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu…", thầy cúng Triệu Văn Thêu, ở thôn Khe Quạt, xã Tân An, huyện Văn Bàn cho biết.

Thầy cúng chuẩn bị cho nghi lễ.

Bà Trần Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tân An, huyện Văn Bàn cho biết thêm: "Năm 2018, Lễ cầu làng của người Dao họ đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động Nhân dân giữ gìn và phát huy bản sắc tốt đẹp này".

Lễ cầu làng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ cầu làng gắn liền với lịch sử hình thành bản làng của người Dao họ, giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, là một nghi lễ dân gian, một tập quán xã hội, sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng với nhiều hoạt động khác nhau. Qua nghi lễ này giúp người dân trong thôn bản gắn kết với nhau hơn, cùng nhau lao động, sản xuất xây dựng quê hương giàu đẹp. Đây là một phong tục tập quán cần được bảo tồn và gìn giữ.

  Đức Tính – Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết