Đồng bào các dân tộc giữ gìn nghề thêu, nhuộm truyền thống

16:33 28-02-2023 | :620

Laocaitv.vn - Nghề thêu thổ cẩm, nhuộm chàm truyền thống gắn liền với đời sống sinh hoạt, văn hóa của nhiều dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Theo thời gian, trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, đồng bào vẫn gìn giữ và phát huy nghề truyền thống, khẳng định giá trị, nét đẹp văn hóa vùng cao.

Nghề thêu thổ cẩm gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Dao từ nhiều đời nay.

Đến những bản làng vùng cao Lào Cai, không khó bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ cần mẫn ngồi thêu thổ cẩm. Với sự tinh tế, khéo léo, các bà, các mẹ vừa tạo ra những đường nét độc đáo trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, lại vừa tâm huyết truyền dạy cho thế hệ trẻ về nghề truyền thống của dân tộc mình. "Thêu là để gìn giữ bản sắc dân tộc của người Dao chúng tôi để lưu truyền mãi mãi cho con cháu, không để bị mất đi bản sắc dân tộc của mình. Quần áo thêu là phục vụ cho cô dâu, chú rể, cho làm lễ cấp sắc, đi đám cưới", bà Lý Thị Kiều, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên chia sẻ.

Người Tày Bản Hồ, Sa Pa vẫn còn giữ được nghề nhuộm chàm truyền thống. Vải nhuộm chàm nơi đây có hoa văn độc đáo, đẹp mắt. Tấm màu đen dùng để may trang phục, còn màu xanh được tạo hình hoa văn sẽ dùng làm khăn cuốn đầu cho người đàn ông Tày dịp lễ, Tết... Hiện bà con nơi đây còn sáng tạo sản phẩm nhuộm chàm làm quà tặng, góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa của dân tộc mình tới bạn bè gần xa. "Khách du lịch đến nhà tôi thấy tôi làm thích quá nên họ đặt bảo tôi làm chuyển sang nước ngoài cho khách. Tôi làm cái này là để giữ gìn truyền thống của ông bà, và có thêm thu nhập để giúp cho gia đình", bà Đào Thị Làn, xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa cho biết.

Vải nhuộm chàm của người Tày Bản Hồ có hoa văn độc đáo, đẹp mắt.

Cuộc sống hiện đại khiến nhiều nghề truyền thống, trong đó có thêu, nhuộm đứng trước nguy cơ mai một. Chính vì vậy, giải pháp để bảo tồn, gìn giữ và phát huy được ngành chức năng chú trọng, "Chúng tôi đề cao vấn đề tập huấn, mời các nghệ nhân am hiểu về nghề thủ công để hướng dẫn cho bà con, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời chúng tôi quan tâm phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch, góp phần tăng thu nhập cho người dân", ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh nói.

Nghề thêu thổ cẩm, nhuộm chàm được gìn giữ, trao truyền qua các thế hệ. Điều này không chỉ thể hiện ý thức trách nhiệm của cộng đồng với văn hóa truyền thống, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Thùy Anh – Đình Hiếu


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết