Laocaitv.vn - Đón xuân Kỷ Hợi 2019, niềm vui chung về những thành tựu nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh nhà năm qua, du lịch Lào Cai tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét. Khách đến địa bàn tăng trưởng mạnh, doanh thu du lịch vượt cao, chất lượng dịch vụ được cải thiện, Lào Cai tiếp tục là điểm hẹn hấp dẫn đối với du khách gần xa. Và khi mùa xuân mới đã về, du lịch Lào Cai lại đang hứa hẹn một mùa bội thu mới.
Nằm ở tuyến cuối của con đường vành đai biên giới, Y Tý được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế, không những khí hậu mát mẻ quanh năm, Y Tý còn có văn hóa đặc trưng của bản người Hà Nhì, bản người H’Mông, Dao… Những ngôi nhà trình tường, ruộng bậc thang mùa lúa chín, hay các lễ hội truyền thống… Và gần đây, một số điểm du lịch mới như đỉnh núi Nhìu Cồ San, đỉnh Lảo Thẩn phục vụ cho du lịch mạo hiểm, du lịch chinh phục đỉnh cao đã được đưa vào khai thác... đang tạo cho Y Tý một sức hút riêng. Đặc biệt, đến với Y Tý trong những ngày đầu năm mới, đi trên cung đường mùa xuân, du khách sẽ bị cuốn hút bởi sắc trắng tinh khôi của hoa mận, sơn tra, sắc hồng của đào, tất cả đang tô thắm cho mảnh đất vùng biên vốn hoang sơ, hiền hòa nhưng cũng ẩn chứa những điều thú vị đến bất ngờ. Còn đối với những người đồng bào ở vùng cao Y Tý, thiên nhiên thực sự đang ban tặng, hứa hẹn cho họ một cuộc sống ấm no hơn, đủ đầy hơn khi họ đã bắt đầu biết làm du lịch. Anh Ly Xá Suy, thôn Mò Phú Chải, xã Y Tý cho biết, mấy năm gần đây đã có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước biết đến Y Tý. Là người dân địa phương, Ly Xá Suy đã có những nhận thức khá tiến bộ, đó là chọn phát triển du lịch cộng đồng, vừa phù hợp với đặc thù địa phương, vừa có nguồn thu nhập và cũng để bảo tồn, giữ gìn những giá trị truyền thống của đồng bào mình. "Tôi phát triển du lịch cộng đồng với mong muốn để du khách đến đây không chỉ tham quan, ngắm cảnh mà còn để cho họ trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của người dân Y Tý." - anh Ly Xá Suy tâm sự.
Môn thể thao mạo hiểm dù lượn thu hút khách du lịch khi đến với Y Tý.
Sau Sa Pa, thành phố Lào Cai, Bắc Hà, du lịch Bát Xát đang có bước khởi đầu tươi sáng và tạo nên những điểm nhấn riêng có. Mặc dù doanh thu hay thu hút khách đến địa bàn còn những hạn chế nhất định, nhưng cái tên du lịch Bát Xát gắn với di tích quốc gia ruộng bậc thang Thung lũng Thề Pả; chợ phiên Y Tý; đường đá cổ Pavi hay Cột cờ Lũng Pô – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt; Lễ hội mùa Thu – Y Tý đại ngàn... đã có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam. Đặc biệt, du lịch thể thao mạo hiểm (chinh phục đỉnh Ky Quan San, Lảo Thẩn) đang là đặc sản của du lịch Bát Xát. Tất cả đang đón chào du khách, và du lịch Bát Xát sẽ là địa danh tiếp tục đánh thức những miền đất mới của du lịch Lào Cai.
Ruộng bậc thang Sa Pa được tạp chí du lịch Mỹ Travel and Leisure bình chọn nằm trong Top 7 ruộng bậc thang đẹp, kỳ vỹ nhất châu Á và thế giới.
Theo đánh giá mới nhất của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, sau 3 năm kể từ khi Đề án phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020 được triển khai, du lịch đã có bước chuyển mình mạnh mẽ; thực sự là khâu “đột phá” trong phát triển kinh tế của tỉnh, và là địa phương dẫn đầu khu vực Tây Bắc. Tính đến hết năm 2018, ngành du lịch đã hoàn thành 6/7 chỉ tiêu, trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng. Cụ thể, năm 2016 Lào Cai đón trên 2,76 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 6.400 tỷ đồng; năm 2017 đón trên 3,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 9.400 tỷ đồng và năm 2018, Lào Cai đón 4,3 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt trên 13.000 tỷ đồng. Từ du lịch – dịch vụ đã tạo việc làm cho trên 22.000 lao động, trong đó, gần 10.000 lao động có việc làm trực tiếp và gần 13.000 lao động gián tiếp. Đặc biệt, Lào Cai vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng. 3 năm qua, Lào Cai đã thu hút trên 30 dự án đầu tư quy mô lớn vào hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp. Hiện, toàn tỉnh có 1.065 cơ sở lưu trú du lịch, tăng trên 100 cơ sở so với năm 2017; các sản phẩm du lịch được đa dạng hóa, một số sản phẩm mới, đặc sắc kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao. Một điểm nổi bật nữa đó là Lào Cai đã tiến được một bước dài trong quy hoạch, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, đặc biệt, Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu du lịch quốc gia. Trong tổ chức triển khai Đề án phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020, các huyện, thành phố đã tích cực, chủ động nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn. Cụ thể, đã chủ động trong quản lý, xúc tiến, quảng bá du lịch. Rất nhiều sản phẩm du lịch mới đã và đang được đưa vào khai thác, tạo nên sức hút của du lịch Lào Cai. Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết thêm: "Các sản phẩm du lịch được du khách đánh giá cao, lượng khách ngày càng tăng lên. Du lịch ruộng bậc thang, du lịch nông nghiệp gắn với trải nghiệm cuộc sống nông thôn đã được nhiều đơn vị lữ hành khai thác. Các lễ hội hoa, du lịch chinh phục các đỉnh núi cao như đỉnh Ky Quan San được rất nhiều du khách quan tâm".
Tại các địa bàn trọng điểm như Sa Pa, Bắc Hà và Bát Xát, Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 đã và đang tạo điều kiện cho các địa phương nhiều cơ hội thúc đẩy du lịch trên địa bàn phát triển. Điển hình như tại Sa Pa, hầu hết các mục tiêu của đề án đều đạt kế hoạch. Huyện đã có nhiều giải pháp trong việc quản lý hoạt động dịch vụ du lịch, quản lý giá và các tour, tuyến du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, du lịch ở địa bàn trọng điểm này đang gặp nhiều thách thức, điển hình như hạ tầng giao thông bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Sa Pa cũng như việc thu hút khách đến địa bàn. Bên cạnh đó là vấn đề vệ sinh môi trường chưa đảm bảo; phát triển du lịch cộng đồng chưa thực sự được tỉnh quan tâm, đặc biệt là về cơ chế chính sách, chủ yếu do địa phương chủ động thực hiện, trong khi du lịch cộng đồng là một lợi thế của du lịch Sa Pa hiện nay. Quản lý nhà nước về du lịch cũng còn bất cập dẫn đến một số vấn đề xã hội khá nhức nhối, trong đó có nạn bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch đang ảnh hưởng trực tiếp đến hỉnh ảnh du lịch Sa Pa, nhưng chưa được giải quyết triệt để. Ông Đỗ Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, một địa phương đang khá nhức nhối về thực trạng này cho biết: "Chúng tôi đang và sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp giải quyết tình trạng chèo kéo khách, bán hàng rong trên địa bàn xã bằng cách tuyên truyền, vận động. Để làm được điều đó phải áp dụng các biện pháp hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho chính những người chèo kéo khách và bán hàng rong".
Loại hình du lịch lưu trú (homestay) được khách du lịch trong và ngoài nước ưa thích.
Theo đánh giá, kết quả đạt được của Đề án phát triển du lịch tỉnh Lào Cai là rất quan trọng, nhưng nó cũng cho thấy sự phát triển thực sự chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đầu tư cho du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển; công tác quản lý nhà nước về du lịch - dịch vụ, vấn đề môi trường ở các địa bàn trọng điểm về du lịch còn xảy ra những vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch. Khu du lịch quốc gia Sa Pa được công nhận, tuy nhiên, vẫn chưa có chính sách đặc thù cho thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao. Hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển du lịch tuy được quan tâm, song vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển tại các địa phương... Những khó khăn, thách thức này đang được tỉnh, ngành chức năng phân tích, nhìn nhận một cách khách quan, từ đó, có những cơ chế chính sách, giải pháp phù hợp trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Một mùa xuân mới đã về. Mùa xuân, mùa của du lịch, mùa của lễ hội, mùa của những sắc hoa đang trải dài cả một vùng biên cương của Tổ quốc. Sắc xuân biên cương đang mời gọi, thúc giục du khách, bạn bè trong và ngoài nước đến với Lào Cai – vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc. Và du lịch Lào Cai cũng đang tự tin đón một mùa xuân mới với tràn đầy niềm tin và hy vọng./.
Phương Liên
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết