Giá trị văn hóa truyền thống trong dòng chảy hiện đại

21:51 28-09-2023 | :949

Laocaitv.vn - Văn hóa, tín ngưỡng không chỉ có giá trị thuần túy về mặt tinh thần, mà còn là cách để mỗi người ứng xử, thích ứng với gia đình, cộng đồng, xã hội. Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, biết trân trọng giá trị truyền thống sẽ giúp con người nhận thức đúng đắn, sống có trách nhiệm.

Ông Tẩn A Nhị truyền dạy tri thức từ những trang sách cổ của dân tộc Dao đỏ cho thế hệ trẻ.

Yêu văn hóa dân tộc Dao đỏ, ông Tẩn A Nhị luôn trân quý những trang sách cổ của dân tộc mình. Với ông, sách cổ không chỉ là nguồn tư liệu, mà còn là "chìa khóa" để mở cánh cửa nghiên cứu văn hóa của người Dao. Vì thế, với ông Nhị, việc dạy lớp trẻ học chữ, cũng là dạy cách làm người. "Ở đây có sách học những điều để biết tôn trọng bố, tôn trọng mẹ, tôn trọng anh em, tôn trọng họ hàng để không làm sai. Quyển sách đó có những điều dạy cực kỳ chuẩn mực", ông Tẩn A Nhị, thôn Bản Pho, xã Bản Qua, huyện Bát Xát chia sẻ.

Mỗi trang sách cổ chứa đựng những kinh nghiệm, từ cách ứng xử trong các mối quan hệ xã hội, trong lao động sản xuất, đến phong tục, nét đẹp trong đời sống văn hóa, nghi lễ của người Dao. Những giá trị cổ xưa ấy nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị. "Trong đó có những cuốn sách dạy về chăn nuôi, dạy về canh tác, cũng có những cuốn sách dạy về cách làm người, dạy về các nghi lễ. Trong quá trình di cư, người ta có thể bỏ rất nhiều thứ, nhưng sách cổ không bao giờ bỏ lại", Tiến sĩ Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Lào Cai cho biết.

Mỗi người, mỗi cộng đồng dân tộc Lào Cai luôn nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Với 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc của Lào Cai đều có bản sắc văn hóa phong tục tập quán riêng. Vậy nên, song song với việc bảo tồn, là câu chuyện hội nhập. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy Lào Cai về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững” giai đoạn 2020 - 2025. "Việc nghiên cứu sâu về đời sống văn hóa tộc người sẽ giúp tìm ra những hạt ngọc điển hình để nghiên cứu, nhào nặn nó để trở thành sản phẩm văn hóa tinh hoa để đưa ra phục vụ du khách, để du khách hiểu được những giá trị mà tộc người đó có", Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nói.

Việc đánh thức di sản phải bắt đầu từ các chủ thể văn hóa. Mỗi người, mỗi cộng đồng dân tộc luôn có ý thức tìm hiểu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thì những giá trị đó sẽ trường tồn trong dòng chảy hiện đại, tạo động lực cho sự phát triển.

Thu Hường – Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết