Để mang tri thức đến cho các em học sinh vùng cao, nhiều thầy cô giáo trẻ đã sẵn sàng hy sinh tuổi xuân của mình, chấp nhận vượt qua mọi gian khổ, khó khăn. Những ngày này, cả nước đang tưng bừng chào đón 1 năm học mới. Mời quý vị và các bạn cùng phóng viên chương trình đến với 1 điểm trường vùng cao tại xã Bản Phùng, huyện Sa Pa để cùng sẻ chia những khó khăn với các thầy cô giáo đang cắm bản nơi đây.
Con đường từ trung tâm xã Bản Phùng đến thôn Bản Toòng đã bị ngăn cách do mưa lớn gây sạt lở. Và phải mất gần 2 giờ đồng hồ vượt suối, leo núi mới có thể đến được bản người Mông hẻo lánh này…Còn dãy nhà xiêu vẹo nằm cheo leo vách núi chính là lớp học của hơn chục em học sinh lớp 1 và lớp 2 trong thôn…Những ngày đầu ra trường, ra lớp còn đầy bỡ ngỡ, nhưng các em đã tìm được niềm vui khi được gặp thầy, gặp bạn.
Thầy giáo Hoàng Văn Học sinh hoạt văn nghệ cùng các em học sinh.
Niềm vui của các em học sinh cũng chính là niềm động viên cho các thầy cô giáo vùng cao. Vào nghề được hơn 5 năm, thì cũng có từng ấy thời gian Thầy giáo Hoàng Văn Học cắm bản tại những thôn cực kì khó khăn và xa xôi. Điểm trường Toòng Mông chỉ có một giáo viên. Phòng học tạm, vách nứa đơn sơ không ngăn nổi cái lạnh cắt da của mùa đông hay cái nắng gay gắt của những ngày hè. Không bạn bè trò chuyện, không điện sinh hoạt, và dĩ nhiên không sóng điện thoại, internet…, với một thanh niên trẻ như thầy Học, thật khó để có thể hòa nhập với môi trường mới. Nhưng như có một sợi dây vô hình kết nối giữa thầy và trò giữa mây trời bản cao để những khó khăn, trở ngại kia không còn cản bước. Và để rồi thầy Học kiên cường bám trường, bám lớp.
Sự hồn nhiên và đầy nhiệt huyết theo đuổi cái chữ của các em là động lực để các thầy cô thêm nghị lực, tình yêu để truyền dạy kiến thức cho những đứa trẻ vùng cao.
Hầu hết, đội ngũ giáo viên cắm bản đều là người trẻ tuổi, tình nguyện làm nhiệm vụ “gieo chữ”, “trồng người”. Đối với các thầy cô, sự nghiệp giáo dục không chỉ dừng lại ở những giờ lên lớp dạy các em con chữ, mà còn có những lúc trèo đèo băng suối đi vận động học sinh, sẻ chia cùng đồng bào những khó khăn gian khổ. Cứ thế, những người trẻ như những thầy cô giáo tại Bản Phùng, và rất nhiều thầy cô giáo trẻ ở địa phương miền núi khác nữa, họ đã và đang cần mẫn gieo từng hạt tri thức trên vùng đất khó, cõng chữ vượt mây ngàn, đem tình yêu thương đến cho những đứa trẻ vùng cao.
Thu Hường - Minh Dũng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết