Giữ gìn di sản nghề truyền thống chạm khắc bạc của người Mông Sa Pa

20:26 11-03-2023 | :819

Laocaitv.vn - Nghề thủ công truyền thống chạm khắc bạc được người Mông ở Sa Pa truyền lại từ nhiều đời, tạo ra các sản phẩm phục vụ cho việc làm đẹp và đời sống văn hóa của cộng đồng. Hiện nay, người làm nghề trên địa bàn không còn nhiều, song đã có những nghệ nhân đã gắn bó hàng chục năm với nghề.

Ông Lù A Quả ở thôn Hàng Lao Chải, xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa là nghệ nhân chạm khắc bạc có uy tín trong vùng. Để theo nghề, ông Quả phải rèn được sự khéo léo, tỉ mỉ, cũng như phải có con mắt thẩm mỹ cao. Bởi, để tạo ra một sản phẩm trang sức bằng bạc như vòng cổ, vòng tay, hoa tai… nghệ nhân phải thực hiện rất nhiều công đoạn cầu kỳ.

Ông Lù A Quả cho biết: "Tôi được bố dạy nghề chạm bạc. Tôi cũng dạy lại cho con cháu. Nghề này rất khó làm, nếu học để làm được thì phải thật chịu khó, chăm chỉ mới thành thợ được".

Hiện nay, nguồn nguyên liệu bạc khan hiếm, những nghệ nhân như ông Lù A Quả chủ yếu làm để giữ nghề. Khi khách hàng có nhu cầu sửa hoặc làm mới đồ trang sức thì sẽ tự mang bạc đến. "Tôi nhờ anh Quả đánh bạc sửa lại cái vòng cổ. Người dân tộc chúng tôi chủ yếu dùng vòng bạc để chống gió, đỡ ốm đau", anh Mã A Chảo, ở thôn Cát Cát, xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa cho biết. 

Ông Lù A Quả là một trong số ít người ở Sa Pa còn giữ được nghề truyền thống chạm bạc.

Sa Pa hiện còn khoảng 5 nghệ nhân người Mông biết làm nghề chạm khắc bạc và chỉ 2 người làm nghề thường xuyên. Chính quyền địa phương đang quan tâm khuyến khích người dân giữ nghề truyền thống, giúp bà con có thể sống bằng nghề.

Ông Thào A Tung, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa cho biết: "Trong thời gian tới xã sẽ đề xuất phát huy và giữ gìn nghề truyền thống chạm bạc, để du khách đến tham quan cũng như trải nghiệm những sản phẩm truyền thống của đồng bào Mông".

Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa cho biết thêm: "Chúng tôi đang mời các chuyên gia và các nghệ nhân thực sự am hiểu về từng lĩnh vực nghề để nghiên cứu, sưu tầm lại các mẫu sản phẩm cổ. Qua đó, làm chất liệu để chế tác ra các sản phẩm mới mang tính ứng dụng rộng rãi hơn để có thể phục vụ được nhu cầu của khách du lịch".

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc, nghề chạm khắc bạc của người Mông ở Sa Pa đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ngành Văn hóa và các địa phương đang nỗ lực gìn giữ, phát huy nghề truyền thống này, biến di sản thành tài sản.

Đức Trung


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết