Giữ gìn tiếng khèn Mông

15:20 12-10-2022 | :1623

Laocaitv.vn - Khèn là loại nhạc cụ độc đáo, là một phần văn hóa, thể hiện sức sống mãnh liệt của đồng bào Mông. Với người Mông, cây khèn giống như bảo vật mang giá trị tâm linh, gắn liền với đời sống tinh thần và luôn được gìn giữ cẩn thận. Việc sưu tầm, truyền dạy nghệ thuật độc đáo này cho thế hệ trẻ đang được những lớp người đi trước nỗ lực thực hiện.

Anh Lừu Thề Pao hướng dẫn cho con trai và các bạn trẻ trong thôn từng động tác thổi khèn.

Với mong muốn bảo tồn, gìn giữ tiếng khèn – nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, anh Lừu Thề Pao lại ân cần hướng dẫn, dạy cho con trai và các bạn trẻ trong thôn từng động tác thổi và múa khèn. "Trước tôi cũng đi học dưới Sín Chéng về xong là tổ chức dạy cho các cháu. Dạy cho các cháu để các cháu giữ được bản sắc dân tộc mãi sau này. Chủ yếu là tôi dạy buổi tối hoặc nghỉ hè", anh Lừu Thề Pao, thôn Chu Liền Chải, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai cho biết.

Tại nhiều trường học ở các xã vùng cao, việc truyền dạy bản sắc văn hoá các dân tộc, trong đó có múa khèn đã được đưa vào các hoạt động ngoại khoá. Qua đó, không chỉ giáo dục đạo đức, nhân cách của mỗi học sinh, mà còn giúp các em hiểu và tự hào với nét đẹp văn hoá của dân tộc mình. "Được học tập em rất tự hào, vui và phấn khởi, được thầy cô dạy dỗ tận tình, mời các nghệ nhân dạy bọn em các điệu múa khèn, múa ô…từ đó em nhận ra những nét đẹp văn hóa của dân tộc", em Giàng Thị Dung, Trường THCS Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương chia sẻ.

Với người Mông, cây khèn không chỉ là một loại nhạc cụ, mà còn là vật báu biết nói lời núi, lời sông, là tiếng lòng nối với tiếng lòng.

Khèn của người Mông được làm bằng ống cây trúc, còn bầu khèn làm bằng gỗ thông. Tiếng khèn trầm, bổng, thanh thoát là do hơi người thổi, cùng sự điều chỉnh của lá đồng trong mỗi ống khèn. Với người dân tộc Mông, cây khèn không chỉ là một loại nhạc cụ, mà còn là vật báu biết nói lời núi, lời sông, là tiếng lòng nối với tiếng lòng. "Khó nhất của cây khèn Mông là phải có bài, nếu tập được bài rồi thì mới vừa thổi vừa múa được. Cái khèn này dân tộc Mông mình rất quan trọng. Mình già rồi, sức khỏe yếu rồi phải truyền dạy cho lớp trẻ. 1 đời người phải có 1, 2 người biết được để giữ bản sắc của dân tộc Mông", ông Ma Phủ Phà, thôn Gia Khâu B, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương nói.

Trong nhịp sống hiện đại, khi mà các giá trị văn hóa đang có nguy cơ bị mai một thì những nỗ lực truyền lửa để gìn giữ giá trị văn hoá của tiếng khèn Mông là điều hết sức ý nghĩa và cần thiết.

Mai Huệ - Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết