Mặc dù tuổi đã cao nhưng bà Đảo vẫn say mê với công việc thêu hoa, dệt vải.
Bà Triệu Thị Đảo, bản Mai, xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn năm nay đã bước sang tuổi 85. Đôi mắt không còn tinh tường như trước, đôi bàn tay cũng không còn mềm mại để thêu hoa, dệt vải, nhưng bà vẫn chưa quên bất cứ công đoạn nào của nghề dệt may truyền thống. Bà Đảo chia sẻ: "Trang phục dân tộc mình thì mình phải biết, chứ không ai làm cho đâu. Nhuộm chàm thì mới khó, ngâm xong lại phải quấy bột cho lắng bột ở dưới, xong mới đổ ra lấy nước gio mới thì mới lên nước, nhuộm nó mới lên màu".
Tết đến xuân về, phụ nữ Dao Họ đều chuẩn bị 1 - 2 bộ trang phục mới để diện tết. Chị em thường bắt đầu làm từ trước đó vài tháng. Bác Bàn Thị Miên là số ít người biết vắt, móc đan sợi vào khung, bởi yêu cầu phải tỉ mỉ đến từng chi tiết, không bỏ hay rối sợi nào, để làm thành thạo phải học trong nhiều năm. Bác Bàn Thị Miên, bản Mai, xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn chia sẻ: "Quần áo giờ mình phải làm thì mới có để mặc. Ngày lễ ngày tết trong bản phải có quần áo mới để giữ gìn bản sắc dân tộc này".
Trong các khâu làm nên bộ trang phục của người Dao Họ, vất vả nhất là khâu nhuộm chàm vì vừa khó vừa kỳ công. Một tấm vải phải nhuộm đi nhuộm lại khoảng 20 lần. Tấm vải có mềm, bền màu hay không tùy thuộc vào kỹ thuật của người nhuộm. Bác Lý Thị Oanh, bản Mai, xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn cho biết: "Cứ ngâm xong cho ráo mang đi phơi, hôm sau lại nhuộm. Nếu mà ngày nắng thì ngày nhuộm phơi 2 lần, sáng, trưa, ngày mưa nhuộm được 1 lần thôi".
Nhuộm chàm là công đoạn khó nhất, phải nhuộm đi nhuộm lại 20 lần.
Đam mê với nghề dệt trang phục truyền thống, chị Bàn Thị Thu, bản Mai, xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn đã học làm trang phục từ năm 13-14 tuổi, đến nay đã biết dệt áo, thêu yếm, hiện chỉ còn khâu móc sợi và nhuộm chàm là vẫn còn phải học hỏi thêm từ các bà, các mẹ. Chị Thu chia sẻ: "Lúc mưa thì tôi tranh thủ làm luôn, nắng ráo thì còn phải đi làm. Nếu tôi bỏ tiền ra mua thì cũng được nhưng sẽ mất hết văn hóa của mình đi. Tôi và chị em ở đây học theo là để giữ gìn bản sắc dân tộc mình".
Với sự nỗ lực bảo tồn trang phục truyền thống của người dân, những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Dao Họ sẽ tiếp tục được giữ gìn và phát triển. Góp phần làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Lệ Duyên
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết