Laocaitv.vn - Thời gian gần đây, chất lượng công tác thông tin tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh ở các xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã dần thay đổi theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của Nhân dân. Đó là nhờ sự tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại của cách mạng 4.0 vào hoạt động truyền thanh ở cơ sở.
Đến Nhà văn hóa đa năng xã Mường Vi, huyện Bát Xát, chúng tôi gặp ông Hoàng Văn Tưởng, cán bộ phụ trách văn hóa xã đang bận rộn chuẩn bị nội dung phát trên loa truyền thanh của xã về công tác vệ sinh môi trường. Rất thành thạo, sau khi kết nối điện thoại thông minh với các thiết bị âm thanh, các nội dung mà ông đã soạn và thu âm từ trước nhanh chóng được chuyển đến Nhân dân trong xã. Theo tìm hiểu, trước đây trên địa bàn xã Mường Vi chỉ có những thôn, bản ở gần trung tâm xã mới bắt được sóng FM và nghe được tiếng ở các cụm loa truyền thanh, còn với đa phần những thôn, bản ở xa trung tâm xã, địa hình đồi núi hiểm trở, việc bắt và thu sóng FM rất khó khăn, cùng với đó là chất lượng sóng thu không được tốt, ảnh hướng rất nhiều đến việc nghe, nắm bắt tin tức của bà con tại đây. Từ năm 2019, xã Mường Vi đã được tài trợ đầu tư thiết bị truyền thanh thông minh thế hệ mới (hệ thống truyền thanh IP truyền qua Internet) hệ thống gồm loa, USB 3G kèm bộ phát wifi và thiết bị chuyên dụng giải mã dữ liệu, âm thanh qua internet đặt ở nhà văn hóa các thôn, bản. Đây là thiết bị truyền thanh hiện đại đồng bộ với máy chủ đặt ở trạm truyền thanh xã sử dụng công nghệ IP để truyền và nhận bản tin phát thanh qua mạng internet, sóng 3G/4G thay vì phát thanh có dây hoặc thông qua sóng FM truyền thống. Ưu điểm vượt trội của công nghệ truyền thanh mới là với những tin tức thường nhật, cán bộ truyền thanh cấp xã hoặc người phụ trách thông tin ở các thôn, bản thu âm trước và cài đặt hẹn giờ phát để có bản tin chất lượng nhất chuyển tải đến người dân. Ông Hoàng Văn Tưởng chia sẻ: “Từ khi tiếp nhận hệ thống thì bắt được đài huyện, thông tin thường xuyên kịp thời hơn xưa, những chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng được chuyển tải kịp thời hơn”.
Thu âm chương trình phát thanh tại Trung Tâm Văn Hóa, Thể Thao - Truyền Thông huyện Bát Xát.
Là địa phương có địa hình chia cắt, đặc biệt là đồi, núi cao, các thôn, bản nằm ở xa trung tâm, nên Bát Xát gặp khá nhiều khó khăn trong công tác thu và nhận sóng phát thanh trên địa bàn. Theo thống kê, cả huyện có 18/23 xã gặp khó trong việc bắt các chương trình trên sóng FM, chất lượng sau khi nhận sóng cũng bị rè, nhiễu, gây nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin của người dân. Để giải quyết tình trạng này, trong thời gian qua, các chương trình thời sự của huyện, của tỉnh, các nội dung tuyên truyền quan trọng được Trung Tâm Văn Hóa, Thể Thao - Truyền Thông huyện Bát Xát in ra đĩa và gửi về UBND các xã để các cán bộ văn hóa, trưởng các thôn, bản phát sóng trên hệ thống cụm loa phát thanh địa phương mình. Tuy nhiên, việc in sao đĩa và chuyển gửi đến các địa phương sẽ mất rất nhiều thời gian, qua nhiều khâu, sau khi được phát sóng trên hệ thống loa truyền thanh, tin tức và các chương trình cũng mất đi tính thời sự, làm giảm sự hấp dẫn của các thông tin, chương trình được phát sóng. Khắc phục những bất cập này, vào tháng 4/2019, toàn bộ các xã trên địa bàn huyện Bát Xát đã được đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh - truyền thanh IP qua mạng internet. Sau hơn 1 năm triển khai, hệ thống truyền thanh mới đã nhận được sự đánh gia tích cực của các xã, đặc biệt là các xã có các thôn, bản vùng cao, vùng xa nơi hệ thống thông tin truyền thống khó tiếp cận. Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung Tâm Văn Hóa, Thể Thao - Truyền Thông huyện Bát Xát cho biết: “Nếu so với công nghệ cũ thì công nghệ mới bắt sóng mạnh hơn, trong hơn. Phát sóng tại huyện thì ở xã cũng bắt được, đài huyện cũng sẽ kiểm soát được các đài phát sóng để có kế hoạch đôn đốc”.
Còn tại thị xã Sa Pa, vào cuối năm 2019, sau khi có quyết định thành lập thị xã Sa Pa từ huyện Sa Pa và chia tách, sáp nhập lại một số đơn vị hành chính, việc tiếp nhận và điều chỉnh các cụm loa phát thanh cũng đang gặp một số khó khăn, đặc biệt là tại một số thôn, bản có địa hình đồi núi cao, che khuất, khó tiếp nhận sóng FM theo phương thức truyền thống. Để thực hiện “xóa trắng” các địa bàn không thể tiếp sóng phát thanh, trong thời gian tới, Trung Tâm Văn Hóa, Thể Thao - Truyền Thông thị xã dự kiến sẽ đưa công nghệ truyền thanh IP vào thử nghiệm để truyền và nhận bản tin phát thanh qua mạng Internet, sóng 3G/4G thay vì phát thanh thông qua sóng FM truyền thống, có thể khắc phục những nhược điểm của hệ thống truyền thanh cũ như bị nhiễu sóng, khó quản lý tới từng thiết bị, phát thanh không linh động, không đặt được lịch phát sóng…. Thêm vào đó, giải pháp truyền thanh thông minh còn được tích hợp sẵn các công nghệ mới như chuyển đổi văn bản thành giọng nói để đem lại nhiều tiện ích hơn cho chính quyền địa phương và nhu cầu được cung cấp thông tin của người dân. Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông thị xã Sa Pa cho biết: “Công nghệ này không chỉ khắc phục được nhiều nhược điểm của phát sóng FM, có thể phủ sóng ở mọi nơi, mọi địa hình trong môi trường internet. Tín hiệu âm thanh giữ nguyên được chất lượng, không bị nhiễu hay bị chèn sóng mà còn hứa hẹn sẽ giải quyết triệt để bài toán về cảnh quan đô thị và hiện đại hóa trong việc thực hiện các giải pháp của đô thị thông minh”.
Có thể nói, việc sử dụng hệ thống truyền thanh thông minh - truyền thanh IP tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã góp phần hiện đại hóa công tác tuyên truyền, thể hiện vai trò cầu nối cung cấp các thông tin chính xác, thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương./.
Thế Long
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết