Khai hội Gầu Tào – nét văn hóa độc đáo của đồng bào H'Mông

15:51 08-02-2019 | :9877

Laocaitv.vn - Trong không khí vui tươi của những ngày tết đến, xuân về, sáng ngày 8/2 (tức mồng 4 tết Nguyên đán Kỷ Hợi), đồng bào dân tộc H'Mông vùng cao Pha Long, huyện Mường Khương đã tụ hội về khu vực trung tâm, cùng chung vui Lễ hội Gầu Tào. Đây là lễ hội văn hóa dân gian có quy mô cộng đồng lớn nhất của đồng bào dân tộc H'Mông, được tổ chức theo quy mô cụm xã. Về với lễ hội, bà con người H'Mông cũng như cộng đồng các dân tộc anh em khác đều mong cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi nhà ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Gầu Tào là lễ hội văn hóa dân gian có quy mô cộng đồng lớn nhất của đồng bào dân tộc H'Mông.

Ngay từ sáng sớm, trên khắp các triền núi cao, những nẻo đường, đồng bào H'Mông cũng như khách du lịch đã đổ về khu vực chợ phiên Pha Long, đây cũng là địa điểm tổ chức các hoạt động chính trong khuôn khổ Lễ hội Gầu Tào Pha Long năm 2019. Thời tiết thuận lợi, nắng trải một màu vàng rực từ sáng sớm như thúc giục từng đoàn người nhanh chân xuống núi, kịp khai hội xuân Gầu Tào – Lễ hội lớn nhất trong cộng đồng người H'Mông vùng cao Tây Bắc. Địa điểm khai hội Gầu Tào là một quả đồi thấp, có đỉnh bằng phẳng, tạo nên một bãi đất rộng, chính giữa được bố trí một sân khấu lớn, rất thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao. Đặc biệt, bao quanh sân khấu là những khu đồi thoai thoải, đứng từ xa phóng tầm mắt, bà con cũng như khách du lịch có thể quan sát được tất cả các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian giữa một không gian núi rừng tràn ngập sắc xuân.

Ông Giàng Sính Lồ, người có uy tín trong cộng đồng, cũng là chủ lễ của Lễ hội Gầu Tào Pha Long năm nay cho biết: Do là lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất trong năm của đồng bào H'Mông, chính vì vậy, ngày mở hội Gầu Tào thường được chọn lựa rất kỹ càng, thường là ngày mồng 4 tết. Mọi người chọn một cây tre cao, thẳng để làm cây nêu. Cây nêu chính là linh hồn của Lễ hội Gầu Tào. Mở đầu lễ hội là nghi lễ báo với thần linh, trời đất về kết quả sau 1 năm lao động, sản xuất, đồng thời bày tỏ mong ước của bà con về những điều tốt đẹp, đủ đầy trong năm mới. Tiếp sau là các tiết mục văn nghệ, những tiếng khèn, điệu múa dân gian của bà con địa phương; kết thúc phần lễ, đồng bào các dân tộc địa phương cũng như khách du lịch lần lượt đi theo vòng tròn quanh cây nêu. Tất cả đều có chung một mong muốn đó là trời đất ban cho sức khỏe, thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu, mỗi người, mỗi nhà đều ấm no, hạnh phúc.

Đồng bào các dân tộc địa phương cũng như khách du lịch đi theo vòng tròn quanh cây nêu sau khi kết thúc phần lễ.

Theo tiếng H'Mông, gầu tào còn có nghĩa là “địa điểm chơi”. Cũng chính vì vậy, ngay sau khi phần lễ kết thúc, mọi người toả ra các ngọn đồi thấp hoặc bãi ruộng bằng phẳng, quanh khu vực sân khấu, trực tiếp tham gia vào các trò chơi dân gian như đi thăng bằng, chơi bập bênh, nhưng độc đáo nhất vẫn là màn hát giao duyên giữa các chàng trai, cô gái dân tộc H'Mông. Tại đây, cả người dân bản địa và khách đến từ địa phương khác trong tỉnh đều có những trải nghiệm thú vị trong những ngày đầu xuân năm mới. Anh Nguyễn Sĩ Quang, đến từ xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng chia sẻ: Tôi đã đi nhiều lễ hội trong tỉnh cũng như các tỉnh bạn, nhưng đến với Lễ hội Gầu Tào tôi đã có được một trải nghiệm đặc biệt, hiểu thêm về văn hóa của đồng H'Mông vùng cao Lào Cai.

Trò chơi dân gian đi thăng bằng trong Lễ hội Gầu Tào Pha Long năm 2019.

Được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội Gầu Tào Pha Long không những thu hút rất đông khách du lịch trong nước mà cả người dân các địa phương đối diện của nước bạn Trung Quốc. Họ đến chia vui, hòa mình vào không gian mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào H'Mông Pha Long, thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó của cư dân biên giới. Ông Phùng Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: “Lễ hội Gầu Tào không những là hoạt động văn hóa tâm linh của đồng bào H'Mông Pha Long, mà còn mang một ý nghĩa lớn hơn đó là sợi dây liên kết giữa cộng đồng các dân tộc vùng cao”.

Người dân nước bạn Trung Quốc hòa mình vào không gian mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào H'Mông.

Mặc dù phần lễ đã kết thúc, tuy nhiên, nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian trong khuôn khổ Lễ hội Gầu Tào vẫn đang diễn ra từ nay đến hết ngày mồng 6 tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Đây thực sự là một địa chỉ hấp dẫn thu hút khách du lịch, hãy cùng đến và trải nghiệm bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc H'Mông tại Pha Long, huyện Mường Khương trong những ngày đầu xuân mới.

Bài, ảnh: Phương Liên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết