Khi thổ cẩm trở thành sinh kế

15:31 28-11-2023 | :279

Laocaitv.vn - Từ lâu, thổ cẩm đã trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống của nhiều đồng bào dân tộc vùng cao. Thổ cẩm không chỉ hiện diện trên váy, trên áo của bà con người Mông, người Dao, người Xa Phó… mà còn trở thành sản phẩm hàng hóa, giúp bà con có thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Bà Lò Thị Đẹp, dân tộc Thái, từ Lai Châu sang Sa Pa làm thổ cẩm đã vài năm nay. Những công việc quen thuộc vẫn làm hàng ngày như thêu thùa, dệt vải, nay đã mang lại cho bà nguồn thu nhập tương đối ổn định, phụ giúp để cải thiện cuộc sống gia đình.

Bà Đẹp chia sẻ: "Ở nhà tôi có làm cùng mẹ, nhưng ngày xưa không biết bán ở đâu, chỉ làm để gia đình dùng. Dệt vải, dệt khăn làm bán đổ cho quán, mỗi cái khăn được 15.000 đồng - 20.000 đồng. Sang Lào Cai làm cho công ty cũng khá nhiều". 

 

Bà Đẹp có nguồn thu nhập ổn định từ nghề thêu thùa, dệt vải.

Làng nghề thổ cẩm Lan Rừng ở thị xã Sa Pa đang tạo việc làm cho khoảng 300 đến 500 lao động, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Một số bà con sẽ làm việc ngay tại xưởng, với công việc cắt, may.... Phần đông sẽ là những lao động gián tiếp. Các bà, các chị tranh thủ lúc nông nhàn để thêu thổ cẩm rồi bán lại cho cửa hàng. 

Nếu như trước đây, thổ cẩm chủ yếu được làm thành quà tặng lưu niệm, thì bây giờ đã được nâng lên trở thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao hơn, như sản phẩm decor trang trí nội thất, làm sofa hay trang trí trong phòng khách sạn... Doanh nghiệp đã có 3 sản phẩm thổ cẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh, mỗi năm, bán ra thị trường trên 700 mã sản phẩm. Đây cũng là cách để thương mại hóa hiệu quả các sản phẩm thổ cẩm, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị cho sản phẩm đặc thù này. 

"Sản phẩm rất đa dạng, từ những sản phẩm thô sơ nhưng có thể thiết kế thành các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của thị trường như tạo ra các bức tranh trang trí trên tường không chỉ cho gia đình mà cả các khách sạn, nhà hàng", chị Hà Thị Đào, quản lý Làng nghề thổ cẩm Lan Rừng cho biết.

Các sản phẩm thổ cẩm đa dạng chủng loại, mẫu mã, được nhiều khách hàng sử dụng.

Hiện, tỉnh Lào Cai có gần 300 cơ sở sản xuất thổ cẩm, với các sản phẩm chủ yếu là thêu, dệt, may trang phục truyền thống. Chú trọng đến nâng cao chất lượng, mẫu mã và quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các cơ sở vẫn đang nỗ lực tuân thủ nguyên tắc tận dụng tối đa các nguyên, vật liệu sẵn có, giữ được nét mộc, cái “hồn” của thổ cẩm, tạo ra những sản phẩm vừa độc đáo, vừa giàu bản sắc.

Thu Hường - Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết