Làm bánh dày - nét đẹp ngày tết của người Mông

20:18 08-02-2024 | :178

Laocaitv.vn - Bánh dày không chỉ là món ăn cổ truyền, mà còn là biểu tượng của sự ấm no và tinh thần đoàn kết của đồng bào Mông. Đặc biệt, công việc giã bánh dày chỉ diễn ra vào dịp lễ hội hay thời điểm tết đến, xuân về. 

Cứ khoảng ngày 27 - 28 Tết, bà con người Mông thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà lại cùng nhau ngâm gạo, đồ xôi để giã bánh dày. Với nhiều người, đây cũng là thời điểm để gặp gỡ, vừa làm bánh vừa chia sẻ những công việc trong một năm đã qua.

Chị Ma Thị Le, ở thôn Nậm Tông cho biết: "Sau một năm lao động vất vả, đến cuối năm sẽ làm bánh để bố mẹ, con cái ăn tết đón năm mới; mời anh em họ hàng trong thôn đến giã bánh và cùng ăn tết với gia đình".

Những ngày giáp tết, bà con người Mông trong thôn Nậm Tông tập trung cùng làm bánh dày.

Với người Mông ở Nậm Lúc, mọi nhà đều không thể thiếu món bánh dày trong ngày tết. Sau khi giã xong, nặn cái bánh đầu tiên là để cúng ông bà, tổ tiên, còn lại mới để cho mọi người cùng ăn và làm quà cho khách đến chơi nhà. 

Ngày nay, dù đời sống đã phát triển và có sự giao thoa với các dân tộc khác, song người Mông vẫn giữ gìn, lưu truyền nét đẹp, kỹ năng làm bánh dày truyền thống cho thế hệ sau.

Bà Hảng Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà cho biết thêm: "Giã bánh dày ngày tết là một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông. Dù hộ gia đình giàu hay nghèo thì ngày tết vẫn sẽ có bánh để cho các cháu và khách đến chúc tết thưởng thức. Rất mong muốn bà con sẽ giữ được truyền thống giã bánh dày trong ngày tết để tạo được không khí vui tươi".

Làm bánh dày truyền thống vào dịp tết đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông.

Ngày nay, việc giã bánh dày không chỉ bó hẹp trong gia đình, mà còn được mở rộng trở thành những cuộc thi giã bánh dày giữa các thôn, các bản với nhau, tạo ra không khí thi đua vui tươi, sôi nổi trong những ngày đầu xuân mới.

Ma Sáo - Thào Sếnh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết