Laocaitv.vn - Trong đời sống văn hóa, đồng bào dân tộc Mông ở Lào Cai có rất nhiều ngày lễ trong năm. Và mỗi ngành Mông đều có những nét văn hóa, phong tục rất riêng. Trong đó phải kể đến lễ ăn rằm tháng 6 âm lịch của người Mông Hoa ở huyện vùng cao Si Ma Cai.
Xôi màu là món ẩm thực không thể thiếu trong lễ ăn rằm của người Mông Hoa ở Si Ma Cai. Để có những mẻ xôi màu đẹp, bắt mắt, bà Giàng Thị Cở, ở tổ dân phố Nàng Cảng, thị trấn Si Ma Cai luôn tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ chọn gạo đến nấu hoa - lá tạo màu cho xôi. "Món xôi màu thì năm nào cũng phải có. Từ khi còn nhỏ tôi đã được mẹ nấu xôi màu cho ăn, giờ đến thế hệ của mình thì cũng nấu theo truyền thống để cho các con ăn rằm" bà Giàng Thị Cở chia sẻ.
Xôi màu - món ăn không thể thiếu trong lễ ăn rằm của người Mông Si Ma Cai.
Ngoài xôi là món chủ đạo, người Mông ăn rằm còn mổ thêm lợn, gà, vịt… và nấu nhiều món ăn khác để tiếp đãi anh em, họ hàng gần xa, tạo tình đoàn kết trong dòng họ, thôn bản. Đây cũng là dịp để con cháu sum vầy bên mâm cơm, nhìn lại những thành quả lao động sản xuất trong 6 tháng đầu năm. Ông Thào Xuân Lao, ở tổ dân phố Nàng Cảng, thị trấn Si Ma Cai cho biết: "Lễ ăn rằm được coi như là sơ kết 6 tháng đầu năm và để cầu cho ngô lúa phát triển tốt, được mùa trong 6 tháng cuối năm; ngoài ra còn giúp tăng tình đoàn kết trong thôn bản".
Lễ ăn rằm giúp nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các thôn bản.
Lễ ăn rằm của đồng bào Mông ở Si Ma Cai thường được tổ chức từ 1 - 15/6 âm lịch hằng năm, tùy vào từng thôn bản, khi mùa màng đã trồng cấy xong. Lễ ăn rằm không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết trong thôn, giữa các thôn bản, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất, mà đây còn là nét văn hóa độc đáo trong đời sống của người Mông. Ông Ly Seo Tráng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Si Ma Cai khẳng định: "Đây là một phong tục đã có từ đời các cụ, đến bây giờ cứ rằm tháng 6 hằng năm thì nhà nhà đều có mâm cơm để mời tổ tiên, ông bà về ăn rằm cầu sức khỏe, mùa màng bội thu".
Đồng bào người Mông ở huyện vùng cao Si Ma Cai đang gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo, mang chất riêng giữa các ngành Mông.
Bài, ảnh: Thào Sếnh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết