Lễ cúng rừng của người Pa Dí Mường Khương

18:02 23-02-2023 | :518

Laocaitv.vn - Người Pa Dí ở thôn Sa Pả, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương có phong tục độc đáo đó là lễ cúng rừng, thường tổ chức vào ngày cuối tháng 1 âm lịch hàng năm. Ngoài cầu mong mùa màng bội thu, may mắn cho dân bản, cúng rừng còn mang tính giáo dục, răn dạy mỗi người không phá rừng, tích cực bảo vệ môi trường và nguồn nước.

Ông Vàng Phà Sẩu là thầy cúng tại thôn Sa Pả nhiều năm nay. Trong ngày cúng rừng của thôn, ông tiến hành các nghi lễ quan trọng. Người Pa Dí cúng Rồng trong lễ cúng rừng với ý nghĩa cầu mong cho nguồn nước dồi dào, phục vụ cho người dân sinh hoạt và sản xuất. Lễ vật bắt buộc phải có là đôi gà trống mỏ vàng, chân vàng cùng với thịt của lợn cái, với ý nghĩa cầu mong vạn sự sinh sôi nảy nở. Theo ông Sẩu cho biết, người dân làm lễ cúng rừng để cầu mong thời tiết mưa thuận gió hòa, không có mưa đá, sản xuất chăn nuôi được an toàn.

Ông Vàng Phà Sẩu chuẩn bị cho lễ cúng rừng.

Sau khi thầy hoàn thành lễ cúng, bà con dân bản mang lễ vật, vàng hương dâng lên thần rừng, cầu mong mọi sự may mắn, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu đến với dân bản.

Ông Vàng Dỉn Mìn, Bí thư Chi bộ thôn Sa Pả cho biết: "Ngày nay, chúng tôi vẫn cúng rừng theo cách các cụ truyền lại. Thứ nhất là để bảo vệ rừng cấm, không cho Nhân dân chặt phá. Thứ hai là để giữ môi trường, có nước sinh hoạt cho bà con".

Người dân dâng hương, lễ vật lên thần rừng, cầu mong mọi điều may mắn.

Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí cũng như một số dân tộc ở Mường Khương hiện đang được Sở Văn hóa - Thể thao Lào Cai quan tâm, đưa vào đề án bảo tồn di sản văn hóa.

Ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Lào Cai cho biết thêm: "Chúng tôi cũng khảo sát, nghiên cứu và sưu tầm tất cả các dữ liệu, tư liệu liên quan để xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, để làm sao nâng tầm được giá trị lễ cúng rừng".

Vừa là phong tục độc đáo, vừa có tính giáo dục con người trong việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống, lễ cúng rừng của người Pa Dí nói riêng và cộng đồng các dân tộc Lào Cai nói chung rất cần được gìn giữ, phát huy, trở thành di sản văn hóa quý của Lào Cai.

Đức Trung

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết