Laocaitv.vn - Lễ hội Khô Già Già của người Hà Nhì ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là hoạt động lễ hội văn hóa tâm linh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2014.
Laocaitv.vn - Lễ hội Khô Già Già của người Hà Nhì ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là hoạt động lễ hội văn hóa tâm linh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2014.
Lễ hội Khô Già Già là sản phẩm sáng tạo, được giữ gìn phản ánh lịch sử canh tác lúa nước của người Hà Nhì; những biểu trưng cụ thể trong lễ hội là chuỗi các hoạt động về tín ngưỡng thờ thần, cúng tổ tiên; các hoạt động vui chơi, đàn, hát, múa… đều hàm chứa trong đó những mong ước tốt đẹp.
Theo Tiến sỹ Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai), lễ hội Khô Già Già là lễ hội cầu mùa được tổ chức vào tháng 6 âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội lớn và độc đáo của người Hà Nhì diễn ra trong vòng 5 ngày. Lễ hội gắn liền với nghi thức tế trâu, dâng hồn trâu cho thần linh để cầu mưa thuận gió hòa, con người mạnh khỏe, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu…
Nghi thức cúng chung của bản trong Lễ hội Khô Già Già. (Ảnh: Cao Bá Quý)
Anh Hoàng Công Kiều, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát cho biết, hiện nay Lễ hội Khô Già Già đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn được du khách quan tâm; đến với lễ hội, du khách được trải nghiệm, khám phá văn hóa độc đáo của người Hà Nhì và hòa mình vào không gian tâm linh linh thiêng đầy màu sắc nhưng cũng không kém phần vui vẻ.
Lễ hội Khô Già Già năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 6/7 dương lịch (4/6 âm lịch); ngày 8/7 diễn ra lễ chính tại các bản có nhiều người dân tộc Hà Nhì sinh sống ở Nậm Pung, Trịnh Tường, Nậm Chạc, A Mú Sung, A Lù, Y Tý. Người Hà Nhì hoan nghênh du khách bốn phương đến dự lễ hội, nhưng du khách nên lịch sự hỏi ý kiến và nghe theo sự sắp xếp của chủ lễ. Ngoài tham dự Lễ hội Khô Già Già, du khách còn có thể tận mắt chiêm ngưỡng những bộ trang phục dân tộc Hà Nhì cầu kỳ, những ngôi nhà trình tường bằng đất độc đáo, những triền ruộng bậc thang giữa lưng trời; dịp này, núi rừng vùng cao Bát Xát cũng có nhiều loài hoa dại khoe sắc, chỉ cần ngồi trên xe cũng có thể ngắm nhìn sắc mầu lung linh tuyệt đẹp của những vạt hoa rừng.
Lễ hội Khô Già Già hàm chứa các lớp trầm tích văn hóa tín ngưỡng độc đáo, được trao truyền từ đời này qua đời khác. Người Hà Nhì luôn có ý thức tổ chức lễ hội hằng năm để cố kết cộng đồng, đoàn kết cùng phát triển.
Cao Bá Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết