Lì xì đầu năm – nét đẹp văn hóa người Việt

18:27 26-01-2020 | :1983

Laocaitv.vn - Tết đến, xuân về, cùng với bánh chưng xanh, câu đối thì những phong bao lì xì đỏ trên tay của những đứa trẻ hồn nhiên làm cho không khí ngày xuân thêm tươi vui. Giống như nhiều nước Á Đông, người dân Việt Nam rất coi trọng lì xì lấy may đầu năm. Tuy nhiên, hiện nay việc lì xì đang bị lạm dụng bởi nhiều người chưa hiểu đúng về phong tục này.

Các em nhỏ nhận lì xì ngày tết.

Nguồn gốc của phong tục lì xì xuất phát từ nhiều câu chuyện khác nhau, thể hiện sự phong phú, các cách lí giải sáng tạo nhằm lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc của ông cha ta. Tiền lì xì, mừng tuổi, chính là thứ tiền đem lại cái hên, điều lành, điều tốt, cho trẻ em dịp đầu xuân. Vì lẽ đó, người Việt Nam theo tục lệ từ xưa, hàng năm, cứ vào sáng mùng một Tết Nguyên đán là con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc tết, chúc thọ và tặng quà hoặc một số tiền cho ông bà, cha mẹ mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ lì xì lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền gọi là lấy hên và mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới.

Cần hiểu đúng về phong tục lì xì ngày tết.

Là một thành viên trong tổ thực hiện Đề án của Tỉnh ủy Lào Cai về "Nền tảng gia đình với sự phát triển của tỉnh Lào Cai", ông Cao Đức Hải cho rằng: Ngày nay, quan niệm về tục lì xì đã cởi mở hơn, đặc biệt những người nhỏ tuổi nhưng đã lập gia đình, đã có thu nhập thì có thể mừng tuổi cho những bậc cao niên để chúc may mắn, sức khỏe, bình an. Phong bao lì xì cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo - không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày tết. Phong bao lì xì còn tượng trưng cho tài lộc - người ta nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì người ta càng tin rằng mình phát tài, phát lộc.

Lì xì và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp trong năm mới.

Phong tục lì xì ngày tết với nhiều ý nghĩa như vậy song nó đã có những biến đổi và sự chi phối khác nhau trong thời buổi kinh tế thị trường. Nhiều người coi lì xì tết của con mình hay chính của bản thân là một “nguồn thu hợp pháp” và đặt vào đó sự cân - đong - đo - đếm giá trị đồng tiền. Nhiều người đã biến chuyện lì xì thành văn hóa “phong bì” để mong thăng quan, tiến chức, để nhẹ nhàng trong quan hệ xã hội làm ăn. Chính thói thực dụng của người lớn đã vô tình lây sang con trẻ và làm mất đi vẻ đẹp vốn có của tục lì xì.

Sự hiện diện của bánh chưng xanh, câu đối đỏ, cùng với những xấp phong bao lì xì báo hiệu niềm vui của ngày Tết Nguyên đán đã về. Tục lì xì hay mừng tuổi được mọi người dân Việt Nam rất coi trọng bởi đó là nét đẹp truyền thống đáng được gìn giữ và lưu truyền. Do vậy, chúng ta cần hiểu đúng, thực hiện đúng thì việc lì xì đầu năm mới mang lại ý nghĩa tốt đẹp như đúng những gì ông cha ta đã mong ước.

Nhóm PV


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết