Laocaitv.vn - Cao nguyên trắng Bắc Hà không chỉ được biết đến với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp mà còn được biết đến với nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, nổi bật với văn hóa ẩm thực vô cùng phong phú và đa dạng, một trong số đó phải kể đến bánh chưng đen của người Tày.
Theo các cụ cao niên vùng đồng bào Tày Bắc Hà kể lại, trước đây mỗi dịp tết đến xuân về, người Tày lại náo nức chuẩn bị những nguyên liệu quen thuộc để làm bánh chưng đen. Ngày nay, do nhu cầu phát triển du lịch, người Tày Bắc Hà không chỉ làm bánh chưng đen vào các dịp lễ, tết, mà làm hằng ngày để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của khách du lịch thập phương. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây nhiều hộ chuyên làm bánh chưng đen cung ứng cho các khách sạn, nhà hàng lớn ở thành phố Lào Cai, Sa Pa, Hà Nội, Phú Thọ…
Để làm ra chiếc bánh chưng đen cũng khá kỳ công.
Bánh chưng đen được làm từ nhiều nguyên liệu, trong đó phải kể đến một loại nguyên liệu đặc biệt làm nên sự khác biệt của loại bánh này so với bánh chưng truyền thống, đó là bột than cây Núc Nác. Núc Nác vừa là cây thực phẩm, vừa là cây thuốc vô cùng quý trong văn hóa chữa bệnh bằng thuốc nam của người Việt.
Công đoạn làm bánh chưng đen cầu kỳ ở khâu đốt than Núc Nác và sàng sảy bột than. Thân cây Núc Nác được phơi khô rồi đốt cháy thành than. Than Núc Nác đang còn hồng bỏ vào ống tre tươi, chờ cho bên trong cháy dần thành than đen mới lấy ra giã nhỏ, trộn cùng với gạo nếp. Gạo làm bánh chưng đen ngon nhất phải là gạo nếp nương của người bản địa. Hai nguyên liệu này sau khi trộn đều tiếp tục được cho vào cối giã lại một lần nữa cho nhuyễn. Nhân bánh chưng đen được làm bằng đỗ xanh và thịt lợn ba chỉ. thịt sau khi tẩm ướp gia vị cho ngấm mới đem gói bánh.
Kỹ thuật gói bánh chưng đen của mỗi gia đình đều có những nét riêng. Tuy nhiên, về cơ bản cách sắp xếp nguyên liệu làm bánh chưng đen tương tự với bánh chưng truyền thống. Thường thì bánh chưng đen sẽ được nấu trong khoảng một đêm.
Trong suốt thời gian luộc bánh phải chú ý lửa đều để bánh không bị khê, cháy, ám khói.
Hiện nay, còn hơn chục hộ người Tày ở xã Tà Chải và Na Hối chuyên làm bánh chưng phục vụ khách du lịch và làm theo đơn đặt hàng của các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh.
Đến với cao nguyên trắng Bắc Hà, đồng bào dân tộc Tày thường đãi khách bằng bánh chưng đen. Vị béo ngầy ngậy của thịt lợn ba chỉ, dậy mùi thơm của thảo quả và nếp nương là những hương vị khiến cho thực khách một lần nếm thử sẽ không khỏi lưu luyến loại bánh đặc sản này.
Tráng Xuân Cường
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết