Mái nhà chung của những người yêu thêu may thổ cẩm

22:33 29-09-2024 | :160

Laocaitv.vn - Với phụ nữ Mông Hoa, trang phục truyền thống không chỉ là chiếc váy sặc sỡ nhiều màu sắc mà còn là biểu tượng của văn hóa và bản sắc dân tộc. Trong phóng sự sau đây, chúng ta sẽ cùng đến với xã Bản Phố, huyện Bắc Hà để trải nghiệm những hoạt động thú vị liên quan đến nghề thêu may thổ cẩm và vẽ sáp ong.

 

Tại "Tổ thêu may thổ cẩm, vẽ sáp ong xã Bản Phố," những cô gái Mông Hoa chính là tác giả của những bộ váy áo truyền thống rực rỡ. Họ không chỉ trực tiếp sáng tạo mà còn truyền dạy những tinh hoa văn hóa cho các thế hệ kế cận.

Chị Giàng Thị Say, thành viên của tổ thêu cho biết: "Em được mẹ dạy từ lớp 1, lớp 2. Ngay từ khi còn nhỏ, em đã cầm kim và được mẹ hướng dẫn".

Chị Sùng Thị Xoa, Tổ trưởng Tổ thêu chia sẻ: "Em bắt đầu học theo mẹ từ khi 10 tuổi. Mẹ em dạy em thêu trước, rồi mới đến may. Cách cắt và may vải truyền thống khác với hiện đại, nên em cũng học theo các cụ".

Những cô gái Mông Hoa - Tác giả của những bộ váy áo truyền thống rực rỡ

Tổ thêu may thổ cẩm được thành lập vào năm 2024, trở thành mái nhà chung của chị em phụ nữ đam mê công việc đòi hỏi sự khéo léo và thẩm mỹ. Sản phẩm không chỉ mang giá trị tiêu dùng mà còn góp phần quảng bá du lịch cho địa phương.

Chị Vàng Thị Chử, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Bản Phố, nhấn mạnh: "Bản sắc văn hóa, đặc biệt là trang phục của người Mông rất đặc sắc. Chúng tôi cần gìn giữ và phát huy, thành lập Tổ thêu may thổ cẩm nhằm bảo tồn văn hóa, thu hút du khách và tạo nguồn thu nhập cho chị em trong thời gian nhàn rỗi".

Hoa văn thổ cẩm truyền thống

Với những sản phẩm thổ cẩm ngày càng phong phú, ấn tượng và độc đáo từ "mái nhà chung," nghề thêu may thổ cẩm của phụ nữ Mông Hoa tại xã Bản Phố sẽ tiếp tục thu hút du khách và góp phần làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa của đồng bào Mông Hoa trên vùng đất Cao nguyên trắng Bắc Hà.

Lệ Quyên – Đình Hiếu – Lâm Thi


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết