(Laocaitv.vn) - Vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội hiện nay đã có rất nhiều thay đổi, không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình, mà người phụ nữ đang thể hiện vai trò ngày càng lớn trong đời sống xã hội. Vậy nhưng ở những địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa, những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, bình đẳng giới vẫn còn là mục tiêu lâu dài, khó khăn cần hướng đến.
Không phải là xã khó khăn nhất của huyện Bát Xát, nhưng chỉ vài năm trước, Cốc Mỳ lại nổi lên như một điểm nóng bởi có nhiều phụ nữ bỏ nhà sang bên kia biên giới. Và cho đến hôm nay, dưới những nếp nhà tưởng như bình yên này, vẫn còn đó nhiều câu chuyện buồn.
Hoàn cảnh khó khăn chính là nguyên nhân khiến người dân nghèo, đặc biệt là những người phụ nữ phải gánh chịu nhiều thiệt thòi. Chính vì vậy, muốn thay đổi thân phận của người phụ nữ dân tộc thiểu số, trước hết phải bắt đầu từ việc tạo sinh kế, cải thiện cuộc sống của họ.
Nậm Sài, địa phương vùng hạ huyện Sa Pa những năm gần đây diện mạo đã có nhiều khởi sắc. Vậy nhưng đời sống của 1 bộ phận người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Xa Phó vẫn còn hết sức khó khăn. Và việc phát triển các mô hình kinh tế trong cộng đồng đang giúp từng bước cải thiện thực trạng này. Năm 2012, câu lạc bộ thổ cẩm Xa Phó được thành lập, là điều kiện để người phụ nữ Xa Phó có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm thêu đan thổ cẩm, tạo ra những mẫu thổ cẩm ngày càng đẹp và tinh xảo hơn. Sau hơn 4 năm thành lập, được sự hỗ trợ của Tổ chức Craflink, Câu lạc bộ đã tạo việc làm cho gần 40 thành viên là phụ nữ người Xa Phó ngay tại địa phương, thực sự làm thay đổi cuộc sống của chị em.
Nâng cao vai trò của người phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Với mục tiêu hỗ trợ có địa chỉ, khuyến khích hội viên phát huy lợi thế vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo thành lập trên 500 mô hình sản xuất kinh doanh. Trong đó, trên 200 mô hình tổ hợp tác, thu hút hơn 4000 thành viên và mô hình tổ liên kết thu hút hơn 2000 thành viên. Các mô hình do hội phụ nữ thành lập đã phát huy hiệu quả tốt và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp gia đình hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất, mà đời sống tinh thần của chị em phụ nữ đồng bào các dân tộc thiểu số cũng được đặc biệt quan tâm. Họ có cơ hội tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội tại địa phương. Đặc biệt, các chi hội phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, giúp chủ trương lấy văn hóa làm nền tảng xây dựng nông thôn mới của các địa phương được thực hiện một cách thuận lợi.
Nhận thức của đồng bào vùng cao, đặc biệt là chị em phụ nữ về quyền làm chủ, về bình đẳng giới đang thực sự có nhiều đổi thay tích cực. Trong những mái ấm gia đình vùng cao, đàn ông không còn đơn phương quyết định những việc lớn, nhất là những việc liên quan đến phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái, mà đều có sự bàn bạc, thống nhất với người phụ nữ. Tỷ lệ cán bộ nữ ở các địa bàn vùng cao cũng đang tăng lên nhanh chóng, khẳng định vai trò, vị trí và những đóng góp của chị em phụ nữ trong xây dựng, phát triển quê hương.
Thu Hường – Nông Quý – Minh Dũng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết