Nét đẹp văn hóa trong cúng rừng của đồng bào các dân tộc Lào Cai

21:15 20-09-2021 | :1399

Laocaitv.vn - Lễ cúng rừng là nét văn hóa độc đáo liên quan đến phong tục, tập quán gắn với bảo vệ rừng của đồng bào các dân tộc ở tỉnh Lào Cai. Nhờ đó, bao đời nay, những khu rừng thiêng, khu rừng cấm đã tồn tại như một báu vật của đồng bào.

Phổ biến quy ước bảo vệ và phát triển rừng cho người dân.

Trong tâm thức của đồng bào người Dao ở xã Dền Sáng, huyện Bát Xát luôn tin rằng, trong rừng có “thần rừng” cai quản và che chở, phù hộ cho dân bản sức khỏe, làm ăn thuận lợi, không lo mất mùa và đời sống ấm no. Trong những ngày tổ chức lễ cúng rừng, bà con dân bản sẽ được nghe các già làng, trưởng bản và cán bộ kiểm lâm xã phổ biến quy ước bảo vệ và phát triển rừng, cam kết không đốt rừng, chặt phá cây rừng. "Chúng tôi tuyên truyền cho bà con cùng nhau bảo vệ rừng, không được chặt phá, thả trâu, bò vào làm hại rừng", ông Lý Vần Cuối, thôn Dền Sáng, xã Dền Sáng, huyện Bát xát bày tỏ.

"Mỗi khi các thôn có lễ cúng rừng thì chúng tôi sẽ phân công cán bộ đến phối hợp cùng thôn để tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện bảo vệ rừng và ký cam kết bảo vệ rừng", ông Vi Xuân Huyền, kiểm lâm địa bàn cụm xã Dền Sáng, huyện Bát Xát cho biết.

Lễ cúng rừng của đồng bào Pa Dí, huyện Mường Khương.

Lễ cúng rừng của người Dao, người Mông, người Phù Lá, người Nùng Dín hay Hà Nhì…đều có ý nghĩa giáo dục, giữ gìn phong tục, tập quán văn hóa của ông cha. Ngày nay, lễ tạ ơn “thần rừng” gắn liền với hoạt động ký cam kết bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Những quy ước cúng rừng của cộng đồng các dân tộc ở Lào Cai đã trở thành hoạt động quen thuộc, có ý nghĩa lớn trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cũng như bảo vệ và phát triển rừng. "Hầu hết các dân tộc trên địa bàn tỉnh đều có nghi lễ cúng rừng. Ở đây không chỉ thể hiện nghi lễ mà nó có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn các khu rừng", ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hoá - Sở Văn hóa, thể thao và Du Lịch tỉnh nói.

Lễ cúng rừng của mỗi dân tộc ở Lào Cai đều có những nét riêng và có quy ước thời gian cúng rừng riêng trong năm. Nếu người Mông Si Ma Cai thường cúng rừng vào tháng 2, tháng 6 âm lịch thì người Dao đỏ và người Hà Nhì lại tổ chức cúng rừng vào tháng Giêng. Nhưng ý nghĩa xuyên suốt không nằm ngoài mục đích bảo vệ rừng, hạn chế sự xâm phạm của con người đối với thiên nhiên. Ngày nay, nghi lễ cúng "thần rừng" của các dân tộc ở Lào Cai không chỉ trong phạm vi sinh hoạt văn hóa bản, làng, mà còn được phát triển và mang tính cộng đồng cao.

Đức Tính – Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết