Nghề làm trống của người Dao đỏ

11:42 05-01-2021 | :1897

Laocaitv.vn - Nghề làm trống là nét văn hóa lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác trong các gia đình, dòng họ của người Dao đỏ ở Sa Pa. Theo phong tục, mỗi gia đình người Dao đỏ đều phải có bộ trống và khèn để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa vào những ngày lễ tết, cưới hỏi, ma chay.

Nghề làm trống của người Dao đỏ tại thị xã Sa Pa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào tháng 11/2020. Một trong những nơi có nhiều nghệ nhân làm trống tay nghề cao phải kể đến là xã Tả Phìn.

Anh Lý Láo Tả, một nghệ nhân làm trống ở thôn Tà Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa chia sẻ: "Gia đình tôi có truyền thống làm trống lâu đời. Tôi được ông cha truyền dạy lại. Nghề làm trống của người Dao đỏ đã được nhiều người biết đến và được công nhận là di sản văn hóa nên có rất nhiều du khách, nhà hàng, khách sạn mua trống về trang trí và phục vụ cho lễ hội truyền thống".

Người Dao làm trống chủ yếu bằng phương pháp thủ công và rất công phu. Mặt trống được chọn từ da bò, da trâu phải có độ mỏng cần thiết, nếu da dày thì cần được bào mỏng mới có thể dùng được.

Để làm ra một chiếc trống đẹp, có âm thanh chuẩn phải mất 2 ngày công. Các thanh gỗ dăm như những cánh hoa nhỏ chính là nét độc đáo trên chiếc trống của người Dao đỏ.

Những chiếc trống này tùy vào từng loại kích cỡ có giá bán khác nhau. Trống bé thì 500.000 đồng một chiếc và 2 - 3 triệu đồng đối với trống to. Hiện nay, trống không chỉ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đồng bào Dao đỏ mà còn được nhiều du khách, nhà hàng, khách sạn, homestay đặt mua để trưng bày. Nhờ vậy mà thu nhập của người làm trống ngày càng ổn định hơn.

Việc được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là điều kiện để Sa Pa xây dựng thương hiệu trống trở thành sản phẩm lưu niệm độc đáo cho địa phương và góp phần bảo tồn nét văn hóa riêng có của người Dao Sa Pa.

San Mẩy – Vũ Giang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết