Người cao tuổi vùng cao miệt mài giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

16:00 01-10-2019 | :1253

Laocaitv.vn - Giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ không chỉ của riêng các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành chức năng, mà còn là trách nhiệm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trong đó, lực lượng người cao tuổi có vai trò quan trọng. Tại Lào Cai, nhất là ở các khu vực vùng cao, đội ngũ người cao tuổi là đồng bào dân tộc thiểu số, những người uy tín, những nghệ nhân dân gian đang nỗ lực cống hiến sức lực, gìn giữ và trao truyền cho thế hệ sau vốn văn hóa và các giá trị tinh thần quý báu của dân tộc mình.

Hướng dẫn và trao truyền cho thế hệ sau những văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Cuối tháng 8, khi những thửa ruộng vùng cao đã bắt đầu ngả vàng, ông Lý Seo Chơ lại đích thân ra mảnh ruộng đẹp nhất của gia đình, cắt những bông lúa đầu tiên về chuẩn bị cho Tết cúng cơm mới. Đây là một nghi lễ không thể thiếu trong truyền thống của người Hà Nhì ở vùng cao Y Tý.

Cả một đời gắn bó với thôn bản quê hương, nghệ nhân Lý Seo Chơ luôn trăn trở khi không chỉ Tết cơm mới, mà nhiều phong tục tốt đẹp truyền thống của dân tộc mình đang dần bị mai một. Người Hà Nhì không có chữ viết riêng, nên những hiểu biết về văn hóa dân tộc mình đều được ông Chơ nghiên cứu và tìm cách truyền lại cho con cháu đời sau. Ông Lý Seo Chơ, thôn Lao Chải 1, xã Y Tý, huyện Bát Xát cho biết: “Tôi luôn phải chỉ bảo cho con cháu từng tý một, các lễ hội phải thực hiện như thế nào, tết nào thì gói bánh, tết nào thì giã bánh. Tôi cũng mong là du khách khi đến với Y Tý sẽ tìm hiểu thêm bản sắc của dân tộc địa phương, tôi biết đến đâu thì sẽ nói đến đó, để tất cả cùng hiểu, cùng nhớ”.

Một buổi tập Khắp Nôm của người cao tuổi dành cho thế hệ trẻ.

Đây không chỉ là trăn trở của riêng ông Lý Seo Chơ, mà cũng là nỗi lo của nhiều người thuộc thế hệ đi trước, khi dưới tác động của cuộc sống mới hôm nay, giới trẻ ngày càng ít người quan tâm tới các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Chính vì vậy, với những kiến thức, kinh nghiệm tích luỹ được, những người già trong làng, bản luôn mong có dịp để truyền cho con cháu giữ gìn mãi mãi. Bà Hoàng Thị Quanh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn là một điển hình như thế. Sinh ra trong cái nôi của hát Nôm Tày, tình yêu với điệu Khắp Nôm đã ngấm vào máu thịt, khiến bà thêm gắn bó với công việc lưu giữ và trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống trong vài chục năm nay. Bà Hoàng Thị Quanh, thôn Nà Bay, xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn chia sẻ: “Lớp trẻ bây giờ hầu như không biết gì về điệu Khắp Nôm. Sau khi tôi giới thiệu, giải thích thì mọi người cũng thấy hay, cũng dần thích tập luyện”.

Điệu múa ngựa của người Nùng Dín được lớp trẻ tái hiện thuần thục.

Và một niềm an ủi đối với lớp người cao tuổi, những nghệ nhân tại vùng cao Lào Cai, là ngày nay, cùng với sự quan tâm của các ban ngành, của cấp ủy chính quyền các địa phương, thế hệ trẻ dần thay đổi nhận thức về văn hóa dân gian. Ở thôn Tày Bảo Yên, những em nhỏ say sưa hát điệu Then cổ. Ở bản vùng cao của Mường Khương, điệu múa ngựa của người Nùng Dín tưởng thất truyền cũng đang được nhiều thanh, thiếu nhi nhiệt tình tập luyện. Anh Nghề Thái Chin, thôn Văng Leng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương cho biết: “ Tôi lớn lên ở thôn Văng Leng, từ khi 15 tuổi đã biết đến ngựa giấy. Tôi được các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy lại. Đến bây giờ tôi cũng biết và thành thạo cho nên tôi đã tiếp tục truyền đạt cho con cháu và học sinh để giữ được bản sắc dân tộc của người Nùng Dín”.

Bền bỉ, miệt mài giữ hồn tinh hoa văn hóa.

Được tiếp thu những giá trị văn hóa dân tộc từ khi sinh ra, sống giữa tình làng nghĩa xóm với những thuần phong mỹ tục bao đời ông cha để lại, những thế hệ người cao tuổi ở Lào Cai đang nỗ lực phát huy tinh thần trách nhiệm, gìn giữ và trao truyền, để những tinh hoa văn hóa ấy tiếp tục được tỏa sáng trong cuộc sống hàng ngày.  

Thu Hường – Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết