Người "dịch" văn chương sang hội họa

19:46 17-07-2024 | :212

Laocaitv.vn - Tranh minh họa là một phần không thể thiếu trên các ấn phẩm báo chí và văn học nghệ thuật. Trong lĩnh vực văn học, minh họa có chức năng làm đẹp về hình thức và làm sáng rõ nội dung của tác phẩm, mang lại nhiều cảm xúc thẩm mĩ cho người đọc, người xem.

Bức tranh minh họa của anh Nguyễn Đình Tùng trong truyện ngắn Vượt qua.

"Truyện ngắn Vượt qua là câu chuyện về một công ty xây dựng, đang trong giai đoạn khó khăn vì vừa trải qua đại dịch Covid-19, người lãnh đạo công ty rất trăn trở, nên khi minh họa câu chuyện mình đã lấy hình ảnh ông giám đốc ngồi uống cafe, trông nét mặt rất bình thản nhưng trong đầu mang nhiều tâm sự". Anh Nguyễn Đình Tùng, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai chia sẻ.

Đó chỉ là một trong rất nhiều bức tranh minh họa mà kiến trúc sư Nguyễn Đình Tùng đã vẽ cho những truyện ngắn đăng tải trên Báo Lào Cai cuối tuần. Nhờ công việc này, anh Tùng không chỉ được thỏa sức sáng tạo, mà còn có cơ hội đọc và tiếp xúc nhiều hơn với những tác phẩm văn học, bởi vậy anh rất yêu thích và tâm huyết. Gần 2 năm bén duyên, anh Tùng đã vẽ rất nhiều bức tranh minh họa và mỗi tác phẩm luôn được anh vẽ kĩ càng, tỉ mỉ. Anh Nguyễn Đình Tùng, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai chia sẻ: "Khi nhận được câu chuyện, mình sẽ phải đọc, có thể là 1, 2 lần để tưởng tượng ra những hình ảnh trong câu chuyện ấy. Sau đó mình sẽ lựa chọn cảnh nào thấy chắt lọc nhất, mang ý nghĩa của câu chuyện để thể hiện trên bức tranh".

Những bức tranh được tạo nên từ kết hợp giữa cái đẹp của câu từ và hình ảnh, làm sáng rõ nội dung của tác phẩm.

Hầu hết các ấn phẩm báo chí và văn học nghệ thuật hiện nay đều có tranh minh họa. Trên Tạp chí Phan si păng, các truyện ngắn đều có tranh minh họa do nhiều họa sĩ thực hiện. Tuy có đặc điểm là mang dấu ấn cá nhân, cá tính của mỗi họa sĩ, nhưng tranh minh họa lại không phải là thể loại được tự do sáng tác, mà phải vẽ dựa trên chủ đề của câu chuyện. Họa sĩ Nguyễn Xuân Chiến, Chi hội Mỹ thuật, Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Lào Cai cho biết: "Những tác phẩm minh họa thường lột tả nét đặc trưng nhất, điển hình nhất trong tác phẩm đó, khi độc giả nhìn qua tác phẩm minh họa thì người ta cũng hiểu rất nhiều về tác phẩm đó, nội dung tác phẩm đó muốn nói lên điều gì. Tác phẩm minh họa tùy vào phong cách của người họa sĩ, tùy vào công cụ sử dụng, thì sẽ tạo ra những tác phẩm mang tính chất khác nhau, nhưng cái chung là vẫn phải lột tả tác phẩm muốn nói lên điều gì".

Hội họa với văn chương là một mối lương duyên gắn bó sâu bền. Những bức tranh được tạo nên từ kết hợp giữa cái đẹp của câu từ và hình ảnh, cảm xúc cộng hưởng giữa người viết và người vẽ sẽ làm gia tăng cảm xúc thẩm mĩ cho người đọc, góp phần nâng cao hơn giá trị của tác phẩm.

Nguyễn Huyền – Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết