Người gìn giữ nghề đan mâm mây

10:06 27-07-2024 | :658

Laocaitv.vn - Đồ dùng công nghiệp đang chiếm ưu thế, khiến sản phẩm thủ công truyền thống như mâm mây của bà con dân tộc Hà Nhì có nguy cơ mai một. Vì vậy, những người nặng lòng với nghề thủ công truyền thống như ông Ly Giờ Lúy, xã Y Tý, huyện Bát Xát đang nỗ lực lưu truyền nghề đan mâm mây cho thế hệ trẻ.

Gác bếp của gia đình ông Ly Giờ Lúy, những chiếc mâm mây khi đan xong sẽ được gác lên. Bồ hóng sẽ như một lớp sơn, giúp cho sản phẩm không bị mối, mọt. Ông đang nỗ lực bảo quản nghề truyền thống này, bởi mâm mây là một phần không thiếu trong cuộc sống sinh hoạt. "Chiếc mâm mây vừa là đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, vừa được dùng để bày đồ cúng trong tất cả các nghi lễ cúng tế trong năm nên nó là một phần không thể thiếu đối với người Hà Nhì chúng tôi", ông Ly Giờ Lúy, thôn Lao Chải, xã Y Tý, huyện Bát Xát cho biết.

Bàn mâm phải đan 3 lớp nên đòi hỏi người đan phải tỉ mẩn và khéo léo.

Mâm mây được hình thành qua các công đoạn: Đầu tiên là làm vành mâm, sau đó là chân mâm và sau cùng là bàn mâm. Bàn mâm phải đan 3 lớp, là công đoạn khó nhất, đòi hỏi người đan phải tỉ mẩn và khéo léo. Nếu không cẩn thận thì không thể ghép kín bàn mâm với chân mâm được. Muốn chiếc mâm mây có độ bền, đẹp thì những người giỏi đan lát như ông Ly Giờ Lúy phải tìm chọn được nguyên liệu tốt và tuân thủ đúng quy trình sản xuất. "Mâm mây nếu chọn được vật liệu tốt và kỹ thuật đan giỏi thì có thể độ bền tới vài chục năm. Đầu tiên là phải tìm chọn những cây mai, cây trúc già chắc nhất trong rừng và khai thác chúng từ mùa thu trở đi. Nếu khai thác vào mùa hè mưa nhiều sẽ bị mối mọt, sử dụng cây non thì khi pha, chẻ, vót nguyên liệu sẽ bị co, héo, không có độ cứng chắc", ông Ly Giờ Lúy cho biết thêm.

 Ông Ly Giờ Lúy truyền dạy nghề đan mâm mây cho thế hệ trẻ.

Các công đoạn đan một chiếc mâm mây rất công phu, tốn nhiều thời gian mới có thể hoàn thành, khiến giá thành cao hơn nhiều so với những chiếc mâm sản xuất công nghiệp, dao động khoảng 2 triệu đồng. Vì vậy, nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số nói chung, người Hà Nhì nói riêng không còn gắn bó với nghề thủ công truyền thống. Trước tình trạng này, những thanh niên trẻ như anh Tráng A Dua đã tìm đến những già làng có uy tín, giỏi nghề thủ công truyền thống như ông Ly Giờ Lúy để học hỏi, tiếp nối nét đẹp văn hóa của thế hệ đi trước. "Với người trẻ như em, mong muốn vận động một số bạn trẻ có nhận thức tốt để học tập và theo nghề của các ông. Hiện nay, trong làng cũng có nhiều thanh niên đang học hỏi dần", anh Tráng A Dua, thôn Tả Gì Thàng, xã Y Tý, huyện Bát Xát nói.

Những con người gắn bó với rẻo cao như ông Ly Giờ Lúy đã thổi hồn văn hóa bản địa vào những sản phẩm thủ công truyền thống, góp nên bản sắc Hà Nhì trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Quang Sản – Lâm Thi


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết