Người giữ hồn cho tiếng khèn Mông ở vùng cao Si Ma Cai

21:20 16-04-2020 | :937

Laocaitv.vn - Cây khèn cùng những điệu múa khèn truyền thống mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mông ở các huyện vùng cao tỉnh Lào Cai. Không giống như nhiều nhạc cụ của các dân tộc khác, khèn của người Mông trước đây chỉ dùng trong việc tang ma. Tuy nhiên, ngày nay, khi cuộc sống hiện đại, khèn Mông đã được bà con sử dụng phổ biến hơn tại các lễ hội truyền thống hay trong mỗi dịp tết đến xuân về. 

Ông Thào A Chứ, ở thôn Sín Chải, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai - nơi có khoảng 80% đồng bào người Mông sinh sống, là một trong số ít người còn am hiểu và gìn giữ được điệu khèn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Theo ông Thào A Chứ, trước đây khèn Mông chỉ được dùng chủ yếu tại các đám hiếu để tỏ lòng xót thương, luyến tiếc người quá cố. Có khoảng vài chục điệu khèn được tấu tương ứng với từng nghi lễ để dẫn dắt cái lý lẽ về những công việc sắp tới cũng như dự định, ước mong của con cháu muốn báo với ông bà, tổ tiên, người đã khuất. Bởi ý nghĩa và tầm quan trọng đó, nên khi các gia đình có việc đều phải lựa chọn và mời những người có khả năng và am hiểu về khèn để làm thầy khèn. Đến nay, đã hơn 40 năm gắn bó với cây khèn, ông Thào A Chứ không còn nhớ mình được mời đi làm thầy khèn bao nhiêu lần. Chỉ biết rằng, mình là người am hiểu và được tin tưởng thì đấy là trọng trách, niềm tự hào và vinh dự cho bản thân.  

Điệu khèn Mông mang nhiều ý nghĩa trong đời sống văn hóa dân tộc Mông.

Ngày nay, khi cuộc sống phát triển, đời sống hiện đại hơn thì tiếng khèn, điệu múa của người Mông đã dần vượt ra khỏi cuộc sống tâm linh của họ để đến với các sự kiện trọng đại, ngày tết và lễ hội truyền thống tại địa phương. Cũng theo ông Thào A Chứ, những bài khèn được dùng trong các dịp này là những bài có giai điệu vui tươi, phấn khởi, thổi để mừng Đảng, mừng xuân, mừng nông thôn mới...

Với ông, học khèn không phải chỉ biết múa cho đẹp, cho hay, mà quan trọng là phải thể hiện điều mình muốn nói, muốn bày tỏ qua từng tiếng khèn, điệu múa đến với người xem, người thưởng thức. Cũng bởi sự am hiểu, thổi khèn hay, múa khèn giỏi mà ông Thào A Chứ đã vinh dự được mời đi tham gia biểu diễn ở nhiều địa phương trong tỉnh, trong nước và được nhiều người biết đến với cây khèn Mông truyền thống của dân tộc. Ông Thào A Chứ chia sẻ: “Một người biết thổi khèn thì cũng phải biết múa theo giai điệu, có như vậy khi biểu diễn hình ảnh mới đẹp, mới khiến người xem thích thú; đồng thời, sẽ lưu giữ được bản sắc dân tộc Mông”.

Ông Thào A Chứ dạy múa khèn cho học sinh trong giờ ngoại khóa.

Ông Thào A Chứ hiện là một trong số ít người lớn tuổi tại địa phương biết thổi và múa các điệu khèn truyền thống của người Mông. Ý thức được nguy cơ mai một của điệu khèn truyền thống, ông luôn đau đáu làm thế nào để gìn giữ, truyền dạy điệu khèn cho lớp con cháu. Bởi vậy, trong những năm qua, ông đã tổ chức nhiều lớp dạy học khèn tại gia đình, cũng như miệt mài đến các trường học tại địa phương để dạy cho học sinh trong các giờ học ngoại khóa. Việc làm này không chỉ làm phong phú thêm các hoạt động ngoại khóa tại các nhà trường, mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Sín Chéng cho biết thêm: “Ông Thào A Chứ say mê tìm tòi, học hỏi và lưu giữ được rất nhiều điệu khèn, điệu múa dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Ông cũng đã truyền dạy cho nhiều thế hệ, qua đó đã góp phần lưu giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, làm phong phú hơn đời sống văn hóa của đồng bào người Mông nơi đây”.

Khi các bản sắc văn hóa truyền thống đang ngày càng mai một thì những tấm gương tiêu biểu như ông Thào A Chứ là rất đáng ghi nhận và cần được nhân rộng. Bởi tin chắc rằng với tình yêu, niềm đam mê đặc biệt với cây khèn, ông Thào A Chứ sẽ còn nỗ lực hơn nữa trong việc gìn giữ, lưu truyền điệu khèn Mông truyền thống cho muôn đời sau.

Vân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết