Laocaitv.vn - Là nơi sinh sống của 100% đồng bào người dân tộc Dao, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát hiện còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, độc đáo của người Dao đỏ. Bên cạnh các nghi lễ truyền thống thì các làn điệu dân ca, dân vũ và chữ Nôm Dao cũng được địa phương chú trọng gìn giữ, phát triển. Trong đó, phải kể đến những đóng góp tích cực của ông Chảo Tờ Sài - một trong số ít người Dao đỏ tại địa phương còn gìn giữ và lưu truyền được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Một buổi học chữ Nôm Dao của người dân địa phương.
Từ nhiều năm nay, những lớp học dạy chữ Nôm Dao đã dần quen thuộc với người dân xã Tòng Sành, huyện Bát Xát. Bởi mỗi dịp nông nhàn, ông Chảo Tờ Sài, ở thôn Ky Công Hồ lại đến từng thôn, bản để mở lớp dạy chữ Nôm Dao cho thanh thiếu niên tại địa phương. Việc làm thiết thực này không chỉ giúp lớp trẻ biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình mà còn giúp các em thêm yêu mến, trân trọng và có ý thức trong việc kế tục, lưu truyền những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Em Lý Láo San, thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát chia sẻ: “Tham gia lớp học của ông Chảo Tờ Sài thì em thấy yêu hơn dân tộc mình, dân tộc mình có chữ viết, nét văn hóa rất đặc trưng. Em mong muốn những lớp học như thế này sẽ được tổ chức tại trường để các bạn khác cũng có thể được học chữ Nôm Dao”.
Ông Chảo Tờ Sài, thôn Ky Công Hồ, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát cho biết: “Ngày xưa tôi được ông cha truyền cho nên giờ cũng muốn truyền dạy lại cho các cháu để chữ viết không bị mai một. Bởi muốn học gì thì trước hết chữ viết phải biết đã thì mới học được. Khi các cháu biết chữ rồi thì ngoài các bài dạy đạo lý làm người, cách cư xử với ông bà, cha mẹ thì tôi còn dạy các cháu các bài cúng, cấp sắc, đó là những nét truyền thống không thể thiếu của người Dao đỏ”.
Tái hiện nghi lễ truyền thống của dân tộc.
Biết chữ Nôm Dao từ năm 12 tuổi, đến nay, ông Chảo Tờ Sài đã sưu tầm và ghi chép lại được khoảng 15 bài cúng bằng chữ Nôm Dao được dùng trong các nghi lễ truyền thống, sự kiện quan trọng như: Lễ cầu mùa, lễ cấp sắc, ma chay, cưới hỏi...
Am hiểu chữ viết, nghi lễ truyền thống của dân tộc, năm 26 tuổi ông Sài đã được mời đi làm lễ cấp sắc cho lớp trẻ đến tuổi trưởng thành tại địa phương. Cũng với nghi lễ truyền thống này, ông Chảo Tờ Sài đã góp phần quảng bá nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc mình thông qua việc diễn xướng lại tại các lễ hội, hội diễn nghệ thuật quần chúng do huyện, tỉnh tổ chức.
Ông Chảo Tờ Sài - người luôn dành một tình yêu đặc biệt với làn điệu dân ca Dao.
Bên cạnh đó, ông Chảo Tờ Sài còn là người luôn nặng lòng và dành một tình yêu đặc biệt với các làn điệu dân ca Dao. Đến nay, ông đã sưu tầm và lưu giữ được trên 300 ca khúc gồm các làn điệu dân ca cổ và những ca khúc đặt lời mới để truyền dạy cho lớp con cháu. Ông Chảo Tờ Sài, thôn Ky Công Hồ, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát chia sẻ: “Dân ca Dao có lời ca rất ý nghĩa, trước tôi muốn dạy các cháu hát nhưng lớp trẻ không đọc được chữ cổ nên khó lắm. Giờ dạy chữ, lớp trẻ biết đọc, viết chữ Nôm Dao rồi thì việc học hát dân ca dễ dàng hơn rất nhiều. Trước trên địa bàn xã chỉ có vài người biết hát dân ca thôi nhưng giờ biết chữ thì thì số lớp trẻ biết hát cũng nhiều rồi. Giờ tôi còn khỏe thì cũng cố gắng để dạy các cháu”.
Tới đây, ông Chảo Tờ Sài sẽ phối hợp cùng các nhà trường đóng trên địa bàn đưa các nội dung dạy chữ Nôm và hát dân ca Dao vào giờ học ngoại khóa để giảng dạy cho học sinh Tiểu học và THCS. Khi được thực hiện thành công, hoạt động này sẽ góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống của người Dao đỏ tại địa phương.
Vân Anh - Ngọc Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết