Người Mông Sa Pả giữ gìn tiếng đàn nhị

21:46 07-08-2024 | :148

Laocaitv.vn - Cùng với tiếng khèn Mông, kèn lá và sáo, đàn nhị là nhạc cụ truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở vùng cao Tây Bắc. Những thanh âm đặc sắc, cùng sự độc đáo của cây đàn nhị vẫn được người Mông ở phường Sa Pả, thị xã Sa Pa nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và duy trì trong cuộc sống hàng ngày.

Trong căn nhà truyền thống người Mông của gia đình anh Tùng, tiếng đàn nhị vẫn được dìu dặt vang lên mỗi ngày. Được cha truyền dạy cách làm đàn nhị từ khi còn nhỏ, giờ đây, anh Tùng như một nghệ nhân chế tác đàn nhị. Theo anh Tùng, để làm ra được đàn nhị của người Mông, trước tiên phải biết sử dụng đàn và phải biết cảm nhận âm thanh tiếng đàn thì mới có thể làm được những chi tiết cụ thể của đàn. Trong đó, "cử nhị" là bộ phận quan trọng nhất của cây đàn vì nó có chức năng điều chỉnh cao độ và độ trong của thanh âm. Để làm được một cây đàn nhị cần rất nhiều thời gian và tâm huyết.

Trong căn nhà truyền thống người Mông của gia đình anh Tùng, tiếng đàn nhị vẫn được dìu dặt vang lên mỗi ngày.

Ông Hạng A Chính - bố anh Hạng A Tùng, tổ 3, phường Sa Pả, thị xã Sa Pa nói: “Khi còn nhỏ, tôi đã thấy bố mẹ thổi khèn và đánh đàn. Tôi đã được bố mẹ dạy làm ra những nhạc cụ đó. Tôi lại dạy cho các con, các cháu của tôi”.

Anh Hạng A Tùng, tổ 3, phường Sa Pả, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Làm 1, 2 cái không đủ, phải làm mười mấy cái để bán cho khách. Bán lấy tiền để mua thịt cho con cái ăn”.

Cùng với ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của người Mông thông qua cây đàn nhị, cấp ủy, chính quyền thị xã Sa Pa đang có những giải pháp đồng hành cùng cộng đồng các dân tộc thiểu số trong bảo vệ, biến các giá trị văn hóa truyền thống thành tài nguyên để phát triển du lịch.

Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sa Pa cho biết: “Trong thời gian tới, thị xã Sa Pa sẽ hỗ trợ các nghệ nhân, trong đó có cả nghệ nhân làm khèn ở Ngũ Chỉ Sơn và nghệ nhân làm đàn nhị ở phường Sa Pả để tổ chức các lớp truyền dạy nghề, chế tác nhạc cụ truyền thống. Chúng tôi cũng sẽ có chương trình hỗ trợ, truyền dạy việc sử dụng các nhạc cụ truyền thống đó để có nhiều thế hệ trẻ biết sử dụng các nhạc cụ truyền thống”.

Quan tâm gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào mình, điều này không chỉ giúp bà con dân tộc Mông ở Sa Pả bảo tồn được những giá trị truyền thống gắn liền với cội nguồn của dân tộc, qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu biến “Di sản thành tài sản”, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo từ văn hóa địa phương để thu hút du khách đến với địa phương.

Phạm Quỳnh - Hoàng Luyến

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết