Những nét văn hóa độc đáo của người Xá Phó

10:43 01-04-2019 | :4579

Laocaitv.vn - Cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 40km về phía Nam là vùng đất giàu bản sắc văn hóa mang tên Nậm Sài. Đường đến Nậm Sài tuy chưa được thuận lợi, song du khách đã biết đến nơi này bởi đồng bào người Tày, người Dao, người Xá Phó còn lưu giữ hầu như nguyên vẹn “nét xưa” trong phong tục, tập quán. 3 dân tộc cùng chung sống đoàn kết, cùng gìn giữ văn hóa dân tộc và biến bản sắc thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. 

Đến với Nậm Sài, du khách sẽ bất ngờ bởi nét độc đáo trong văn hóa của người Xá Phó. Điều này thể hiện rõ nhất ở một thôn nằm ngang sườn núi - thôn Nậm Sang. Vào mùa nông nhàn, du khách được thu vào tầm mắt hình ảnh đẹp thanh bình của bản vùng cao. Ấy là khi chị em người Xá Phó say mê với những sản phẩm thêu thùa. Phụ nữ Xá Phó cũng khéo léo không kém phụ nữ người Hmông, người Dao trong công việc làm đẹp trang phục từ sản phẩm may, thêu truyền thống. 

Bản sắc của người Xá Phó không chỉ được thể hiện rõ nét trên trang phục mà còn hiện hữu trong phong tục tập quán, ẩm thực và đặc biệt trong kho tàng văn nghệ dân gian. Những làn điệu dân ca, dân vũ uyển chuyển, nhịp nhàng được hình thành từ cuộc sống lao động, sản xuất đã theo bà con trong suốt chiều dài phát triển của dân tộc.

Hoa văn trên váy, áo của người Xá Phó rất sặc sỡ.

Múa xòe, múa kéo sợi, múa gùi, múa đi lấy nước, múa khăn… và nhiều điệu múa khác đều mang cái tên thật gẫn gũi, giản dị. Ai đã từng lớn lên, gắn bó với bản người Xá Phó đều hiểu ý nghĩa của những điệu múa ấy. Trong nỗi nhọc nhằn của cuộc sống, luôn lấp lánh vẻ đẹp của lao động sản xuất. Lao động được nghệ thuật hóa, hình tượng hóa thành vẻ đẹp trường tồn với thời gian. Đến tuổi biết hát, biết múa, các bé gái được làm quen với những giai điệu quen thuộc của đồng bào mình. Không chỉ được dạy hát, dạy múa, các bé còn được dạy phải yêu lao động, chăm chỉ, cần mẫn để cuộc sống ngày thêm tốt đẹp.

Những điệu múa được người Xá Phó biểu diễn thường giữ nguyên bản, không biên đạo, không cắt gọt, dù biểu diễn trong hoàn cảnh nào, trong dịp lễ tết hay ngày vui nơi rẻo cao. Đó là điều làm du khách thích thú khi thưởng thức các tiết mục văn nghệ này. "Những bài múa này được truyền lại từ đời các cụ. Các chị em ở đây cố gắng tập luyện để giữ gìn bản sắc dân tộc, sau này còn truyền lại cho con cháu" - Chị Vàng Hư Sa Mạ, thôn Nậm Sang, xã Nậm Sài, huyện Sa Pa cho biết.

Những điệu múa không biên đạo, không cắt gọt, mang đậm bản sắc đồng bào dân tộc Xá Phó.

Hiện nay, ở xã Nậm Sài có hai đội văn nghệ với hàng chục thành viên tham gia một cách tự nguyện. Họ thường hát trong các dịp lễ tết, mừng nhà mới, mừng cơm mới, mừng cưới và hát giao duyên. Không giống như dân ca Tày, Hmông, Thái thường có giai điệu hoặc màu sắc âm nhạc, dân ca Xá Phó có vẻ trầm lắng hơn, thoạt nghe như những lời độc thoại, tự sự chứ không mang giai điệu trầm bổng và rõ nét. Tuy vậy, nội dung mỗi bài dân ca lại diễn tả tâm trạng của người hát trong những hoàn cảnh cụ thể. Hiện nay ở Nậm Sang nói riêng và Nậm Sài nói chung, người Xá Phó biết hát dân ca chủ yếu là những người già và trung tuổi.

Người Xá Phó không có chữ viết riêng, họ lưu giữ và truyền dạy dân ca từ thế hệ này sang thế hệ kia bằng cách truyền miệng. Do vậy, để học được dân ca đòi hỏi phải có niềm say mê. Mỗi gia đình có người già biết hát, đó là cả kho tàng dân ca cần lưu giữ. Dân ca Xá Phó có bài lời cổ và cũng có những bài tự diễn xướng, tự đặt lời theo từng hoàn cảnh. Bài hát có thể giống như một câu chuyện kể, một lời chúc mừng hay một nỗi niềm riêng.

Nậm Sài là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Sa Pa. Giao thông đi lại từ thị trấn đến nơi đây còn nhiều trở ngại, do vậy du khách đến với Nậm Sài còn hạn chế. Thời gian gần đây, chính quyền địa phương đã dành sự quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc các dân tộc, trong đó có dân tộc Xá Phó, nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đất này. ông Hoàng Văn Phang, Chủ tịch UBND xã Nậm Sài, huyện Sa Pa cho biết: "Chính quyền địa phương đã xác định mục tiêu nâng cao việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc xã Nậm Sài, đặc biệt là đồng bào Xá Phó; đã có nhiều chương trình hỗ trợ nhân dân để có kinh phí khôi phục các làn điệu dân ca, dân vũ. Đồng thời, xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng tại nơi đây".

Nét đẹp văn hóa dân tộc Xá Phó nói riêng và các dân tộc thiểu số ở vùng cao Lào Cai nói chung đang dần được khôi phục để trở thành sản phẩm du lịch trong tương lai gần, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Lào Cai, từ đó góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Song, để làm được điều đó, ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cần sự quan tâm của các ngành chức năng, tạo cho các địa phương vùng cao những cơ hội mới để phát triển du lịch.

Đức Trung


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết