Những người lan tỏa văn hóa dân tộc Mông trong cộng đồng

21:05 04-01-2022 | :1206

Laocaitv.vn -Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, nhiều giá trị văn hóa dân tộc có nguy cơ bị mai một, lãng quên thì ở đâu đó vẫn có những cá nhân đam mê, tìm tòi để bảo tồn, phát huy những bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trong cộng đồng, họ chính là những người lan tỏa, những người truyền lửa.

Vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, cây khèn - nhạc khí thiêng trong đời sống tâm linh của người Mông, đồng thời cũng là phương tiện để kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư tình cảm trong cuộc sống hằng ngày. Là một người con của dân tộc Mông, lại công tác trong lĩnh vực văn hóa, anh Giàng A Hải đặc biệt yêu thích cây khèn Mông truyền thống. Cây khèn theo chân anh đến những buổi tập luyện với câu lạc bộ, đến những hội thi, hội diễn gần xa.

Anh Giàng A Hải, cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thể thao – Truyền thông huyện Bắc Hà chia sẻ: "Tôi sinh ra trong bản làng người Mông, những nhạc cụ như cây sáo, cây khèn gắn bó với tôi từ nhỏ đến giờ. Bản thân tôi muốn hoàn thiện hơn cách sử dụng cây khèn, lan tỏa nét đẹp của khèn Mông đến cộng đồng mình, đến du khách để mọi người đều biết".

Anh Giàng A Hải có niềm yêu thích đặc biệt với cây khèn Mông.

Gìn giữ và lan tỏa, những người như anh Giàng A Hải đã cùng cây khèn mông kết nối được nhiều thế hệ người Mông ở trên "cao nguyên trắng". Những buổi tập luyện của câu lạc bộ được tổ chức thường xuyên. Người già hướng dẫn cho người trẻ, người biết nhiều dạy người mới học. Cả những em nhỏ mới học cấp 1, cấp 2 giờ cũng say sưa tìm hiểu về nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.

Ông Lý Seo Phỏng, ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà cho biết: "Bây giờ mở lớp để dạy cho các bạn trẻ, từ nốt nhạc cho đến các bài khèn. Múa khèn không phải là trò chơi mà là truyền thống của dân tộc nên phải gìn giữ".

Anh Hải và ông Lý Seo Phỏng hướng dẫn các em nhỏ sử dụng khèn Mông.

Với vai trò là người “giữ lửa”, tại vùng cao Lào Cai đã và đang có không ít người dành cả cuộc đời cho việc sưu tầm, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân gian của dân tộc mình. Với họ, giữ hồn dân tộc không chỉ vì tình yêu, tâm huyết mà còn là trách nhiệm với cộng đồng dân tộc mình, với xã hội và những thế hệ đi sau.

 Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết