Những người lưu giữ đàn nhị Mông

20:40 18-09-2023 | :529

Laocaitv.vn - Đàn nhị là một trong những nhạc cụ truyền thống gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào người Mông. Nhưng theo thời gian, đàn nhị cũng như nhạc cụ truyền thống khác đang dần bị mai một. Với mong muốn bảo tồn, lưu giữ những thanh âm đặc sắc này, một số nghệ nhân ở vùng cao Bắc Hà vẫn tâm huyết gìn giữ, truyền dạy cách làm đàn, chơi đàn cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Thào Seo Phàng ở thôn Trung La, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà đã có nhiều năm kinh nghiệm chế tác đàn nhị. Từ những ống tre, thanh gỗ, dây cáp, đuôi ngựa… qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân, cây đàn nhị được làm ra với âm thanh trong trẻo, sâu lắng.

Nghệ nhân Thào Seo Phàng cho biết: "Phải biết kéo rồi mới chế tác được, biết âm thanh như thế nào thì mới án đoán được. Đàn nhị là phong tục, là âm thanh của người Mông, tôi là người biết sử dụng, biết chế tác thì sẵn sàng truyền dạy cho lớp trẻ".

Cháu Thào Seo Thếnh, ở thông Trung La cho biết: "Hồi nhỏ đã được nghe bố kéo đàn nhị, cháu cảm thấy rất thích cây đàn này. Cháu cũng muốn học để kéo được như bố".

Nghệ nhân Thào Seo Phàng có nhiều kinh nghiệm chế tác đàn nhị.

Đàn nhị của người Mông cấu tạo gồm: Bát nhị, cần nhị, trục dây, dây nhị, cử nhị, cung vĩ làm bằng đuôi ngựa… trong đó, cử nhị là bộ phận điều chỉnh cao độ âm thanh; nhựa thông được bôi vào dây nhị khi sử dụng để tăng độ trong, mềm mại của âm thanh. 

Tiếng đàn nhị trong trẻo, réo rắt như tiếng lòng của con người với cộng đồng, với thiên nhiên. Vì thế, hầu hết đàn ông người Mông từ thuở thiếu thời đã được dạy kéo nhị, cũng như múa khèn, thổi sáo. 

Các nghệ nhân truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ để lưu giữ giá trị truyền thống của dân tộc mình.

Nghệ nhân Thào Seo Lỷ, ở thôn Trung La cho biết: "Khi 14 tuổi tôi đã học đàn nhị rồi. Đàn nhị là truyền thống của người Mông, lúc vui lúc buồn đều có thể kéo đàn nhị".

Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bắc Hà cho biết thêm: "Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc là một trong những nội dung quan trong của huyện. Mục đích kép là vừa giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc, đồng thời là sản phẩm cho du khách tham quan trải nghiệm".

Quan tâm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào mình, không chỉ bảo tồn được những giá trị truyền thống gắn liền với đời sống, cội nguồn của dân tộc cho các thế hệ mai sau, mà còn góp phần biến “di sản thành tài sản” trong xu thế phát triển của xã hội.

Thào Sếnh - Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết