Laocaitv.vn - UBND tỉnh Lào Cai cho biết, từ ngày 3 – 9/5, Bảo tàng tỉnh Lào Cai và các chuyên gia Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Viện Khảo cổ học phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương tiến hành khảo sát, đào thám sát tại một số di chỉ trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Cổ vật phát hiện ở Di chỉ Mường Đơ (xã Bản Vược, huyện Bát Xát) ước tính có niên đại khoảng 2000 năm.
Kết quả ban đầu xác định những di chỉ, hiện vật được phát hiện có giá trị quan trọng trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Cụ thể như, tại Di chỉ Mường Đơ (xã Bản Vược, huyện Bát Xát), phát hiện trống nồi, bên trong chứa 4 rìu đồng, xương sọ, xương chậu. Bước đầu xác định đây là mộ táng, thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay 2.500 - 2.000 năm. Tại Di chỉ đồn Trần Hà (xã Tân An, huyện Văn Bàn), phát hiện một số tường đất, qua nghiên cứu và phỏng vấn một số người dân địa phương, bước đầu giả định vị trí tường nằm trên khúc sông hẹp, địa thế hiểm trở, có thể là một trạm thu thuế thuộc triều đại nhà Nguyễn. Tại Di chỉ Ngòi Nhù (xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng), là địa điểm phát hiện nhiều nhất về văn hóa Sơn Vi (đồ đá cũ), văn hóa Hòa Bình (đồ đá mới) cách đây từ 20.000 - 10.000 năm và hiện vật kim khí thuộc văn hóa Đông Sơn, cách đây từ 2.500 - 2.000 năm.
Lào Cai là tỉnh biên giới, có hai sông lớn là sông Hồng và sông Chảy, là bậc thềm trung chuyển giữa vùng cao nguyên Vân Quý và vùng châu thổ sông Hồng, đó cũng là một trong những lợi thế về sự cư trú của người nguyên thủy.
Hùng Cường - Đức Tính
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết