Phát huy di sản xòe Tà Chải

08:40 11-05-2023 | :276

Laocaitv.vn - Nghệ thuật The của người Tày, hay còn gọi là múa xòe, đã có từ lâu đời, trở thành nét văn hóa đẹp trong đời sống của đồng bào Tày ở xã Tà Chải, huyện Bắc Hà. Được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2014, để điệu xòe còn mãi với thời gian, bà con người Tày nơi đây cùng nhau gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào mình.

Hình thành từ trong lao động sản xuất, bằng sự sáng tạo, các làn điệu xòe đã và vẫn được bà con Tà Chải lưu truyền. 

Mỗi khi rảnh rỗi, các thành viên đội văn nghệ thôn Na Kim, xã Tà Chải lại cùng nhau luyện tập múa xòe. Người biết nhiều dạy người biết ít, người lớn tuổi dạy người trẻ, với mong muốn điệu xòe được lưu truyền cho các thế hệ mai sau. "Điệu múa xòe là bản sắc văn hóa của dân tộc Tày. Mong muốn truyền đạt cho các cháu để không mai một văn hóa của đồng bào dân tộc mình", bà Vàng Thị Giàng, thôn Na Kim, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà cho chia sẻ.

Hiện 6 thôn bản của xã Tà Chải đều thành lập được đội văn nghệ. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng dành sự quan tâm, tạo điều kiện, động viên, khích lệ bà con nâng cao ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc. "Chúng tôi có những cơ chế động viên, khuyến khích cho tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho việc giữ gìn bản sắc", ông Đặng Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Chải, huyện Bắc Hà cho biết.

Là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, trong đó, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá Tày, biến di sản thành tài sản, mang lại nguồn lợi cho bà con được huyện Bắc Hà chú trọng. "Các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có xòe Tà Chải là một nội dung quan trọng để ngoài việc bảo tồn, giữ gìn thì đây còn là một nội dung trong việc phát triển du lịch văn hóa. Do vậy, thời gian vừa qua, chúng tôi hết sức chú trọng đến công tác bảo tồn", ông Bùi Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Hà nói.

Nghệ thuật The của người Tày ở Tà Chải có 12 làn điệu cổ được lưu truyền. Hình thành từ trong lao động sản xuất, sinh hoạt thường ngày, bằng sự sáng tạo, các làn điệu xòe đã và vẫn được bà con lưu truyền. Những động tác uyển chuyển, linh hoạt nhưng vẫn giữ các động tác cơ bản, hồn cốt của xoè hoà cùng tiếng trống, chiêng, tiếng kèn vang vọng trên “Cao nguyên trắng” như mời gọi du khách đến với vùng đất này.

Đức Trung


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết