Phát triển nghề truyền thống thành sinh kế bền vững

06:13 10-08-2020 | :582

Laocaitv.vn - Hiện nay, toàn tỉnh Lào Cai có khoảng trên 20 làng nghề truyền thống, tập trung vào một số nghề chủ yếu như nấu rượu, dệt thổ cẩm, rèn đúc...Với việc phát huy tốt những nghề truyền thống đã tạo ra không ít cơ hội việc làm, giúp các gia đình nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Người dân Nàn Sán có thu nhập ổn định từ nghề làm bánh phở.

Những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của máy móc nên việc làm bánh phở của gia đình chị Hoàng Thị Thắm ở thôn đội 2, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai cũng như các hộ khác trong thôn đã nhàn hơn rất nhiều. Tuy vậy, những cốt yếu trong nghề làm bánh phở truyền thống luôn được chị Thắm cùng các gia đình đồng bào dân tộc Nùng ở địa phương cố gắng lưu giữ và phát huy, bởi đó cũng chính là điều kiện quan trọng giúp các hộ tăng thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Sa Pa phát triển du lịch gắn với làng nghề.

Sa Pa đã trở thành trọng điểm du lịch của quốc gia. Bên cạnh những lợi thế về địa lý thì bản sắc văn hóa đa sắc tộc, cùng với nét độc đáo của những làng nghề truyền thống chính là thế mạnh để Sa Pa xây dựng thành công thương hiệu du lịch cho mình. Như tại xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa, địa phương đang nổi tiếng với nghề rèn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông và khoảng trên 10 hộ gia đình vẫn giữ được nghề rèn truyền thống. Ông Sùng A Phìn, thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa chia sẻ: "Tôi cũng được gần 60 tuổi rồi, và đã làm nghề này được 40 năm. Nông cụ chúng tôi làm ra chủ yếu là dao, cuốc, búa. Không có cái lò rèn này thì gia đình tôi cũng rất khổ, nên tôi luôn động viên con cháu bằng mọi cách phải giữ nghề".

"Nghề rèn của xã là một trong những nghề truyền thống rất lâu đời. Trước kia, người dân làm nông cụ để sản xuất, nhưng hiện nay du lịch tại địa phương cũng đang rất phát triển, vì vậy bà con Nhân dân đang tập trung sản xuất các đồ lưu niệm cho du khách mua về trang trí, làm quà tặng. Xã cũng xác định sẽ xây dựng các hợp tác xã rèn truyền thống, thứ nhất là để đạt các tiêu chí về nông thôn mới, thứ hai là sản xuất để mang lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn", ông Tẩn A Lềnh, Chủ tịch UBND xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa cho biết.

Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Còn rất nhiều nghề truyền thống đang được các gia đình, các địa phương khai thác vừa để bảo tồn, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm và thu nhập cho đông đảo người dân. Phát triển nghề truyền thống bởi vậy đang được xem là một trong những giải pháp giảm nghèo quan trong và bền vững ở nhiều địa phương của tỉnh.

Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết