Phụ nữ Sa Pa tâm huyết giữ nghề truyền thống

09:20 24-08-2023 | :425

Laocaitv.vn - Giữa nhịp sống hối hả của thời đại công nghệ số, nhiều chị em các dân tộc ở Sa Pa vẫn bền bỉ duy trì nghề thủ công se lanh, nhuộm, dệt vải, thêu may truyền thống. Họ đang lặng thầm bảo tồn di sản cho muôn đời sau.

Thị xã Sa Pa đang có gần 30 tổ, nhóm, câu lạc bộ phát triển nghề thêu thổ cẩm.

Mỗi họa tiết được thêu, hình tròn, đường cong hay hình xoáy trôn ốc... đều là ký hiệu thực tế. Với bà Sùng Thị Khu, những sản phẩm thổ cẩm như một bức tranh sinh động của cuộc sống, gửi gắm cả những tâm tư, tình cảm của người thêu. "Hình xoắn ốc là biểu tượng người mẹ đơn thân. Hình hoa đối xứng là biểu tượng gia đình hạnh phúc chúng tôi thường thêu trên vỏ chăn gối", bà Sùng Thị Khu, thôn Ý Lình Hồ, xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa chia sẻ.

Thổ cẩm khi gắn liền những câu chuyện dân gian đã trở nên mới mẻ hơn nhiều. Vẫn là những chiếc khăn, túi, váy áo của người Mông, nhưng trong câu chuyện của bà Sùng Thị Khu dường như có một dòng chảy văn hóa truyền thống rất sống động. Thổ cẩm chính là thước đo đánh giá sự khéo léo, cần cù của người phụ nữ. "Nếu chăm chỉ thì mất khoảng 5 tháng còn không thì phải mất cả 1 năm mới xong 1 bộ trang phục. Thổ cẩm không chỉ trang trí, đây còn là vũ khí chống lại mọi cái xấu, giúp người dân tộc chúng tôi có thêm sức mạnh, giữ gìn hạnh phúc", bà Sùng Thị Khu cho hay.

Để làm ra tấm vải thổ cẩm, những phụ nữ dân tộc đã được truyền dạy từ ngày còn thơ bé, các kỹ thuật với rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, cầu kỳ. Từ nhiều đời nay, họ luôn ý thức bảo vệ văn hóa truyền thống, trong đó có kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh. "Để vẽ sáp ong lên vải phải dùng một thanh tre nhỏ, nẹp vào thanh tre một lá đồng hình tam giác làm ngòi bút. Bút càng mỏng, hoa văn vẽ càng đẹp. Trước khi vẽ thì chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, dùng tay kẻ những đường thẳng trên vải", bà Thào Thị Sung, thôn Sín Chải, xã Hoàng liên, thị xã Sa Pa cho biết.

Thổ cẩm chính là thước đo đánh giá sự khéo léo, cần cù của người phụ nữ Mông.

Tâm huyết với nghề truyền thống, Công ty Lan Rừng đang góp phần cùng phụ nữ vùng cao nỗ lực để "thổ cẩm sống". 30 lao động có việc làm thường xuyên tại công ty và khoảng 200 phụ nữ dân tộc thiểu số Sa Pa được đặt hàng thêu thổ cẩm. "Chúng tôi gặp khó khăn khi thời điểm dịch Covid-19 không xuất khẩu được nhưng vẫn phải cố gắng quyết tâm vì tâm huyết với nghề truyền thống và mong muốn tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ dân tộc", bà Cung Thanh Mai, Giám đốc công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng nói.

Thị xã Sa Pa đang có gần 30 tổ, nhóm, câu lạc bộ phát triển nghề thêu thổ cẩm, với hàng trăm hội viên. Những người phụ nữ mộc mạc, giản dị này thật sự đã thổi được cái “hồn” của văn hóa bản địa vào trong sự tinh túy của nghề dệt thêu thổ cẩm.

Trung Kiên - Lương Mạnh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết