Phụ nữ Tày xã Võ Lao gìn giữ văn hóa truyền thống

19:45 30-06-2021 | :1309

Laocaitv.vn - Trong những năm qua, việc phát triển kinh tế nhờ biết khai thác các giá trị văn hóa truyền thống đã và đang được chị em phụ nữ người dân tộc Tày xã Võ Lao, huyện Văn Bàn đẩy mạnh thực hiện. Trong đó, nghề thêu, may các sản phẩm thổ cẩm và trang phục truyền thống không chỉ giúp chị em có công việc ổn định, nguồn thu nhập khá mà còn có những đóng góp thiết thực vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Yêu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ngay từ nhỏ bà Lương Thị Tương, thôn Chiềng 4, xã Võ Lao đã được bà, được mẹ truyền cho nghề se lanh, dệt vải và thêu thùa. Năm 1995, sau khi tham gia lớp học dạy cắt may của xã, bà Tương mở một cửa tiệm nhỏ tại nhà để thêu, may các sản phẩm thổ cẩm và trang phục truyền thống người Tày. Bắt đầu chỉ với những chiếc quần áo ngắn của nam, bà Tương đã mày mò, tìm hiểu và cắt may thành công chiếc áo dài của phụ nữ Tày. "Tôi muốn gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc nên mở tiệm may tại gia đình. Giờ thấy ai ai cũng mặc quần áo do mình may thì cảm thấy rất vui", bà Tương chia sẻ.

Bà Lự Thị Đến (thôn Chiềng 2, xã Võ Lao) đánh giá: "Trang phục bà Tương may rất cầu kì, vừa vặn mặc lên rất đẹp, tôn dáng. Năm nào tôi cũng đến đây may 1 đến 2 bộ áo dài Tày để mặc vào các dịp lễ tết, cưới hỏi".

Chiếc áo dài của người Tày do bà Lương Thị Tương tự cắt may được nhiều người đặt mua.

Với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống, bà Tương đã đứng lên thành lập nhóm cùng sở thích và huy động sự tham gia của 4 chị em phụ nữ tại địa phương. Ngoài cắt may trang phục truyền thống, các thành viên trong nhóm còn làm thành thục các sản phẩm chăn, màn và khâu thêu trang trí gối, đệm ngồi bằng hoa văn trang trí thổ cẩm.

Chị Hoàng Thị Trúc (thôn Chiềng 4, xã Võ Lao) cho biết: "Chúng tôi mỗi người làm một công đoạn, người cắt may, người thêu nhưng nếu ai làm chậm hơn thì mọi người hỗ trợ giúp đỡ nhau, công việc này nhẹ nhàng mà thu nhập cũng ổn định".

Đa dạng về sản phẩm với hình thức đẹp, cầu kỳ, các sản phẩm thổ cẩm và trang phục truyền thống của nhóm đã nhận được sự yêu thích của người tiêu dùng với lượng khách đặt hàng thường xuyên. Từ đó, mang lại nguồn thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng cho mỗi thành viên.

Nghề thêu, may các sản phẩm thổ cẩm và trang phục truyền thống của người Tày xã Võ Lao giúp người dân có thu nhập ổn định.

Ngày nay, khi các bản sắc văn hóa đang ngày càng mai một thì việc nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế từ việc khai thác bản sắc văn hóa truyền thống bản địa là rất cần thiết. Qua đó, không chỉ khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình mà còn góp phần bảo tồn, lưu giữ nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

Vân Anh - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết