Quản lý tiền công đức, làm sao để minh bạch?

14:37 31-08-2024 | :124

Laocaitv.vn - Với 35 di tích, danh thắng được xếp hạng, Lào Cai đã và đang thu hút đông khách thập phương đến thăm quan, chiêm bái, tự nguyện công đức xây dựng đền chùa. Do vậy, việc siết chặt quản lý cũng như sử dụng đúng mục đích nguồn tài chính này là rất quan trọng, đảm bảo thu từ di tích, danh thắng không bị thất thoát. Ghi nhận tại Bảo Yên, địa phương có nguồn thu từ du lịch tâm linh lớn nhất tỉnh.

 

Thành lập cuối năm 2021, Ban Quản lý di tích và Phát triển du lịch huyện Bảo Yên hoạt động độc lập theo cơ chế tự chủ. Bộ máy được kiện toàn, an ninh trật tự và giám sát được thực hiện ở tất cả các khâu. Tiền trông giữ xe, tiền giọt dầu đến tiền công đức của du khách được quản lý chặt chẽ, công khai với nhiều lực lượng và thông qua hệ thống hơn 60 camera giám sát như hình dưới. 

Hệ thống hơn 60 camera giám sát.

Từ khi đi vào hoạt động, riêng đền Bảo Hà đã đóng góp cho ngân sách địa phương trên 70 tỷ đồng, cao gấp 3 - 4 lần so với thời điểm chưa thành lập Bản Quản lý.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Phát triển Du lịch huyện Bảo Yên cho biết: “Áp dụng biện pháp mới thu tiền công đức. Có thể quét mã QR tránh không dùng tiền mặt, du khách tự tay đặt vào hòm tiền công đức, khi tổ chức mở ra kiểm đếm, trong tiền công đức và giọt dầu. Có tổ trực cam 24/24, đảm bảo công khai minh bạch”.

Nguồn thu tăng, huyện dành trích một phần kinh phí để tôn tạo, sửa chữa và phục vụ tổ chức các hoạt động lễ hội. Do vậy, nhiều du khách khi đến chiêm bái đều khá hài lòng về sự chuyên nghiệp trong công tác tổ chức cũng như cơ sở vật chất.

Ông Nguyễn Văn Sơn, tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ: “Đến đây cảm nhận công tác tổ chức rất đàng hoàng, trang nghiêm, trong và ngoài đền rất vui vẻ”.

Du lịch tâm linh là mũi nhọn trong phát du lịch của Bảo Yên, địa phương phấn đấu đến năm 2025 đón 2 triệu lượt khách. Giải bài toán về ngân sách đầu tư cho đền chùa khi không có nguồn lực của Nhà nước, huyện chủ động vay vốn của tỉnh. Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ đến nay địa phương đã dành trên 200 tỷ đồng đầu tư hạ tầng, mở rộng, tôn tạo 11 di tích, tổ chức các hoạt động lễ hội. Và nguồn thu hàng năm từ di tích được dùng để trả vốn vay.

Tiền trông giữ xe, tiền giọt dầu đến tiền công đức của du khách được quản lý chặt chẽ, công khai.

Ông Trần Trọng Thông, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: “Thu được tiền công đức, nhập vào tài khoản cơ quan quản lý di tích. Sử dụng nguồn công đức đó đầu tư lại cơ sở thờ tự, cũng có danh mục đầu tư, cũng được thẩm định, phê duyệt, trình HĐND huyện có nghị quyết thông qua để quản lý, đảm bảo công khai minh bạch”.

Từ cách làm của Bảo Yên, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã thành lập Ban Quản lý di tích nhằm tăng cường nguồn thu từ hoạt động du lịch tâm linh. Việc siết chặt quản lý và sử dụng nguồn thu đúng mục đích đang được tỉnh quan tâm chỉ đạo, nhằm phát huy giá trị văn hoá tín ngưỡng; đồng thời tái tạo nguồn lực để đầu cho du lịch tâm linh ngày càng bài bản hơn./.

Trung Kiên - Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết