Laocaitv.vn - Những sản phẩm thổ cẩm luôn có sức hút kỳ lạ đối với du khách khi đến với Lào Cai. Thời gian qua, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn nâng tầm giá trị của thổ cẩm, để phát triển du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con.
24 năm qua, phạm vi hoạt động của HTX thổ cẩm Lương Thủy liên tục được mở rộng với hơn 200 phụ nữ tại Sa Pa, Bắc Hà, Văn Bàn đang nhận thêu, cung cấp sản phẩm thổ cẩm cho HTX, và khoảng 300 người là cộng tác viên nhận thu gom sản phẩm thổ cẩm tại nhiều tỉnh Tây Bắc. Dựa trên nguyên tắc tận dụng tối đa các nguyên, vật liệu sẵn có trong tự nhiên, giữ gìn những hoa văn nguyên bản, các sản phẩm thổ cẩm của HTX luôn được du khách trong nước và quốc tế rất ưa chuộng.
Bà Lương Thủy, Giám đốc HTX thổ cẩm Lương Thủy Sa Pa, chia sẻ: “Tất cả đồ cũ ở đây, chúng tôi sẽ thu gom những đồ giữ lại các hoa văn truyền thống của người dân tộc, những sản phẩm làm bằng tay này rất giá trị. Bây giờ cũng có thể có hàng dệt, nhưng làm sao vẫn phải bảo tồn được bản sắc dân tộc của mình, thì khách mới tin tưởng mua sản phẩm”.
Cửa hàng thổ cẩm Sa Pa với các sản phẩm đặc trưng.
Những nỗ lực bảo tồn, phát huy thổ cẩm truyền thống như bà Lương Thủy hay rất nhiều người dân có chung niềm đam mê, tâm huyết với thổ cẩm tại các địa phương trong tỉnh đã góp phần tạo nên sự phong phú riêng có của thổ cẩm Lào Cai cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật, níu chân du khách khi đến với mảnh đất Lào Cai.
Chị Trần Thị Hoa Phượng, du khách đến từ Hà Nội, cho biết: “Tôi thấy sản phẩm thổ cẩm ở đây rất đặc trưng và rất đẹp. Tôi sẽ mua một vài sản phẩm về nhà để tặng cho bạn bè, người thân”.
Bà Caroline, du khách đến từ Cộng hòa Pháp, chia sẻ cảm nhận: “Tôi thấy một màu sắc đặc trưng, độc đáo của đồng bào dân tộc nơi đây. Tôi rất thích những hoa văn trên trang phục của các dân tộc thiểu số ở đây”.
Quy trình dệt thổ cẩm tại không gian văn hóa Sa Pa.
Để bảo tồn nghề may thêu thổ cẩm gắn với phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững, thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh đã có những chương trình, kế hoạch xúc tiến quảng bá cho sản phẩm du lịch hấp dẫn này.
Ông Phạm Tất Thành, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai, khẳng định: “Việc khai thác thổ cẩm để trở thành một sản phẩm du lịch, nâng tầm các giá trị văn hóa trở thành những sự kiện văn hóa, những festival để thu hút khách du lịch đã nằm trong chiến lược xúc tiến quảng bá, gắn với thương hiệu du lịch của Lào Cai”.
Người phụ nữ H'Mông thêu thổ cẩm thủ công.
Phát triển may thêu thổ cẩm không những giúp người dân tại các địa phương có thêm thu nhập mà còn tạo ra sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch, góp phần bảo tồn bản sắc truyền thống, gìn giữ các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Lào Cai.
Lệ Quyên – Lâm Thi – Ngọc Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết