Tạo sức sống bền vững cho nghề truyền thống

15:58 25-08-2023 | :2915

Laocaitv.vn - Từ bao đời nay, các làng nghề là một phần của di sản văn hóa dân tộc, được lưu truyền, kế thừa qua nhiều thế hệ nghệ nhân. Những tinh hoa nghề xưa mang văn hóa truyền thống, là nhân tố cần thiết giúp cho sự phát triển của làng nghề truyền thống trong bối cảnh mới. “Biến di sản thành tài sản”, khơi dậy tiềm năng và khai thác giá trị văn hóa làng nghề để phát triển du lịch là hướng đi được các địa phương trong tỉnh đặc biệt chú trọng.

Khu trưng bày trang phục thổ cẩm truyền thống, du khách như lạc vào không gian văn hoá đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai.

Thành lập Hợp tác xã Lương Thuỷ, bà La Thị Lương mong muốn bảo tồn văn hóa bản địa, làm điểm tựa cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có thêm thu nhập. Bà Lương triển khai mô hình tái chế thổ cẩm, hạ giá thành các mặt hàng thủ công và nâng cao năng suất lao động cho bà con. Váy, áo, khăn thổ cẩm cũ của bà con được HTX thu mua về rồi giặt sạch, nhuộm lại màu bằng nguyên liệu thiên nhiên, may mới thành vỏ gối, lọ hoa, khăn trải bàn, quần áo và nhiều đồ trang trí thổ cẩm có giá trị. Bà La Thị Lương, Giám đốc Hợp tác xã thổ cẩm Lương Thuỷ, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Trước đây, quần áo thổ cẩm dân tộc không có ai mua, nhưng bây giờ tôi tái chế lại, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, để cho bớt ô nhiễm môi trường. Chúng ta càng giặt thì nó càng mới, hoa văn ngày xưa sẽ giá trị hơn hoa văn mới bây giờ".

Khách du lịch yêu thích các sản phẩm thổ cẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn Việt Nam tại đây.

Tại khu trưng bày trang phục thổ cẩm truyền thống này, du khách như lạc vào không gian văn hoá đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai. Túi xách, ba lô, quần áo, khăn, mũ, hay những sản phẩm trang trí nội thất tại nhà hàng, khách sạn… rất nhiều và đa dạng. Vì thế nhiều du khách nước ngoài khi đến du lịch tại Lào Cai đã rất ấn tượng về sản phẩm truyền thống của người dân bản địa. “Đến Sa Pa, tôi băn khoăn không biết tặng vợ tôi món quà gì vừa độc đáo, tinh tế, thanh lịch lại mang đậm dấu ấn Việt Nam, tôi đã tìm thấy nó ở cửa hàng này rồi, thật sự tôi rất hài lòng”, ông ROMEO du khách Ý nói. 

Mô hình tái chế thổ cẩm gồm vỏ gối, lọ hoa, khăn trải bàn...

Toàn tỉnh hiện có 264 cơ sở sản xuất thổ cẩm, chủ yếu sản xuất các sản phẩm dệt, may các bộ quần áo của đồng bào dân tộc thiểu số với trên 100 mẫu mã sản phẩm. Để thổ cẩm và một số nghề truyền thống có sức sống bền vững, tỉnh đang đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khuyến công nhằm xây dựng thương hiệu sản phẩm, cùng với đó là việc tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Ông Đào Xuân Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai cho biết: “Sau khi rà soát, cập nhật thông tin, chúng tôi cập nhật dữ liệu đưa lên sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ cơ sở sản xuất tập trung gắn với sản phẩm du lịch, định hướng phấn đấu xây dựng trở thành OCOP của tỉnh”.

Nhiều du khách nước ngoài khi đến du lịch tại Lào Cai rất ấn tượng về sản phẩm truyền thống của người dân bản địa.

Giá trị văn hóa, tinh hoa của những làng nghề truyền thống có được gìn giữ, phát triển được hay không phụ thuộc rất nhiều vào những cơ cế chính sách hỗ trợ và những người tâm huyết với nghề truyền thống của quê hương. Để các làng nghề không bị mai một, thất truyền, nhiều nghệ nhân và các hợp tác xã trong tỉnh đã và đang tích cực truyền nghề cho lớp trẻ để tạo sức sống mới cho làng nghề.

Trung Kiên - Lương Mạnh

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết