Âm vang nhạc cụ Mông nơi phố thị

15:35 03-05-2025 | :60

Laocaitv.vn - Trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, giữa nhịp sống hiện đại nơi phố thị Lào Cai, nhiều bạn trẻ người Mông vẫn đang gìn giữ và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống. Bằng tình yêu sâu sắc với nhạc cụ dân tộc, họ đã biến những ngày nghỉ, giờ rảnh rỗi trở thành khoảnh khắc để sống trọn với đam mê.

Tranh thủ những ngày nghỉ hay lúc rảnh rỗi, em Ngải Thị Loan lại cùng nhóm bạn học đàn môi (ảnh trên). Từ cách lấy hơi, đánh ngón đến từng câu hát truyền thống đều được các bạn chia sẻ, truyền dạy cho nhau. Không chỉ dừng lại ở việc luyện tập, Loan còn chủ động quay video và chia sẻ lên mạng xã hội. Em Ngải Thị Loan, sinh viên Trường Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai chia sẻ: “Giới thiệu lên các trang mạng thì có rất nhiều bạn trẻ thích, nhiều bạn hỏi là em biết thì dạy cho các bạn. Mỗi lần về quê em lại đến học từ những người lớn tuổi để biết thêm nhiều giai điệu và gìn giữ, lưu truyền được văn hóa của dân tộc mình”.        

Em Giàng Thị Hà, sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai chia sẻ: “Thế hệ trẻ bây giờ nhiều người quên lãng đi bản sắc văn hóa của mình nên em muốn tập để gìn giữ văn hóa dân tộc mình”.

Tương tự, nhóm bạn của em Ma Văn Thành cũng tìm đến cây khèn, cây sáo như một cách để giữ gìn bản sắc trong nhịp sống đô thị. Mỗi người đến từ một vùng khác nhau, mỗi cách thể hiện có nét riêng, nhưng đều chung tình yêu với âm nhạc dân tộc. Em Ly Seo Vư, sinh viên Trường Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai chia sẻ: “Em tập Sáo cũng được 2 năm rồi, lúc đầu mới thổi thì không biết nên em hỏi bạn bè chia sẻ kinh nghiệm và lên mạng tham khảo xong về tự nghiên cứu, tự thổi”.

Với niềm đam mê yêu thích nhạc cụ truyền thống những sinh viên người Mông đã góp phần gìn giữ phát huy giá trị văn hoá của dân tộc mình.

Em Ma Văn Thành, sinh viên Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai chia sẻ: “Học khèn không phải ngày một ngày hai là thành, mà phải có quá trình rèn luyện. Thực sự rất gian khổ vì để biết thổi khèn phải học từ 2 - 3 năm. Khi biết rồi thì mình rất tự hào vì hiểu hơn truyền thống nhạc cụ của người Mông”.

Em Thào A Sèng, sinh viên Trường Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai chia sẻ: “Em cảm thấy học khèn cùng các bạn thì em được giao lưu, được học hỏi thêm từ các bạn để có nhiều kinh nghiệm hơn. Thế hệ trẻ bây giờ cần phải phát huy và học hỏi để không bị lãng quên đi truyền thống của người Mông”.

Giữa nhịp sống đô thị sôi động, tiếng khèn vang vọng, tiếng sáo ngân nga hay âm điệu đàn môi trầm lắng của những sinh viên người Mông không chỉ là sợi dây nối với cội nguồn văn hóa, mà còn góp phần lan tỏa bản sắc dân tộc đến với giới trẻ trong thời đại mạng xã hội.

Thào Sếnh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết