Tìm lại hương vị truyền thống – Bánh chưng xanh

22:39 01-02-2019 | :1157

Laocaitv.vn - Những năm trước đây, mỗi dịp tết đến, xuân về hầu hết các gia đình thường mua sắm, chuẩn bị nguyên liệu để tự gói bánh chưng đón tết. Nhưng nay, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có lẽ nguyên nhân lớn nhất là do quỹ thời gian hạn hẹp, cuối năm thường là lúc công việc bận bịu, việc dành thời gian để gói bánh chưng không phải ai cũng sắp xếp được. Vì vậy, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các cửa hàng bán bánh chưng ra đời và đó cũng là nghề kiếm sống của không ít người dân ở thành phố Lào Cai.

Mong muốn tìm lại hương vị truyền thống, qua lời giới thiệu, tôi tìm gặp cô Đặng Thị Nhung, số nhà 237, đường Ngô Quyền, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, người đã có hơn 20 năm làm nghề bán bánh chưng tại chợ Nguyễn Du. Nhìn những chiếc bánh chưng, đủ cỡ, vuông vắn, xanh xanh đẹp mắt, bên cạnh là những chiếc bánh giầy gấc (ngọt, mặn đủ cả) được cô bày bán tại chợ, khiến tôi vô cùng thích thú. Tôi lân la hỏi chuyện làm nghề của cô và bày tỏ mong muốn được tận mắt xem cô gói bánh chưng. Nét mặt hiền lành, phúc hậu, nụ cười tươi tắn, cô gật đầu đồng ý và hẹn tôi tới nhà xem cô làm bánh.

Đúng hẹn, tôi đến nhà cô vào một ngày gần cuối năm, đây chính là lúc cô bận rộn hơn bao giờ hết, bởi thời điểm này cô Nhung nhận được rất nhiều đơn hàng đặt gói bánh chưng. Cô làm nghề này đã lâu năm, lại có uy tín nên có nhiều mối khách, cô bảo: Trong hôm nay, cô phải gói xong khoảng 200 chiếc để luộc, ngày mai khách đến lấy hàng. Vừa bắt đầu câu chuyện chưa lâu thì chị Hoàng Thị Hồng, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai đến lấy 30 chiếc bánh chưng đã đặt gói từ ba hôm trước để đem đi ủng hộ cho các cháu học sinh vùng cao, chị Hoa cho biết: Cô Nhung gói bánh chưng rất ngon, mình biết cô từ cách đây ba năm, nhờ một lần tình cờ đến nhà người bạn chơi tết và được gia đình họ mời cơm. Khi được ăn chiếc bánh chưng mà họ đặt gói ở nhà cô Nhung thì thấy rất ngon, bánh vừa xanh, lại thơm, dẻo, vị đậm đà đúng hương vị truyền thống, từ đó, mỗi dịp tết, chị chỉ đặt mua bánh chưng ở đây. Chị thấy ngon nên giới thiệu thêm cho nhiều bạn bè, người thân, rồi hàng năm đều đặt bánh chưng ở đây để đi ủng hộ cho các cháu vùng cao nữa.

Cô Đặng Thị Nhung đã có hơn 20 năm làm nghề gói bánh chưng

Giao hàng cho khách xong, cô Nhung lại tiếp tục công việc gói bánh. Trong gian phòng khách nho nhỏ, tôi thấy cô đã chuẩn bị sẵn nguyên liệu rất tươm tất. Một rá đỗ và một rá gạo nếp to đã được ngâm, đãi vỏ, chậu thịt ba chỉ đã được tẩm ướp gia vị tươi ngon, trong góc nhà nhiều bó lạt đã chẻ sẵn, những bó lá dong cũng được rửa sạch, mọi khâu chuẩn bị đã được hoàn tất, sẵn sàng cho việc gói bánh. Cô bảo, làm như vậy để khi gói cô chỉ cần đặt mọi thứ xung quanh, cần tới đâu lấy tới đó cho tiện, cô vừa làm vừa chia sẻ: Có hai kiểu gói bánh là gói bằng tay hoặc dùng khuôn để gói, gói khuôn thì đẹp hơn, phức tạp hơn nhưng không được chặt bánh. Bánh chưng mà gói lỏng tay thì ăn sẽ không ngon nên cô chỉ quen gói bằng tay không cần khuân. Nhìn đôi tay quen nghề thoăn thoắt lấy lá, cho gạo, cho đỗ, xếp thịt làm nhân, cuốn lá vào một cách gọn gàng, rồi lại buộc lạt thoăn thoắt khiến tôi cứ tròn mắt dõi theo như bị thôi miên, cô Nhung không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm: Để một chiếc bánh chưng ngon, từ việc chọn nguyên liệu phải thật chú ý, gạo nếp, đỗ đều phải mới, có thể chọn gạo nếp nương và phải ngâm ít nhất là 3 giờ trước khi gói bánh thì sau khi luộc gạo và đỗ mới thật sự mềm, dẻo quện vào nhau, thịt làm nhân nên chọn thịt ba chỉ, không nên chọn toàn thịt nạc. Thật ra bây giờ, nhiều người không dùng lạt tre, lạt nứa, hay lạt chẻ từ cây giang để gói bánh chưng nữa. Họ dùng dây xác rắn, hoặc dây cước có màu xanh, đỏ… Dù không có thời gian để ngồi chẻ lạt nên cô phải mua 50.000/bó lạt chẻ sẵn để buộc bánh chứ không dùng dây các loại dây khác. Vì cô nghe nói những loại dây ấy làm từ nhựa phế thải nếu đem buộc bánh chưng khi luộc sẽ ngấm vào bánh, vừa mất hương vị thơm, ngon của bánh lại có hại cho sức khỏe người dùng.

Cô Nhung đang hoàn tất khâu cuối cùng của chiếc bánh chưng

Ở tất cả các công đoạn làm bánh, từ chuẩn bị nguyên liệu đến gói bánh, luộc bánh… cô Nhung đều làm rất cẩn thận, nhờ vậy, bánh chưng của cô Nhung làm ra được nhiều người ưa thích. Đó cũng là động lực để cô tiếp tục làm nghề, cô luôn lắng nghe ý kiến góp ý của mọi người, đặc biệt là những khách hàng khó tính để tiếp thu và chỉnh sửa, để làm sao chiếc bánh chưng làm ra ngày càng ngon hơn, đẹp hơn đáp ứng như cầu của khách hàng. Theo cô Nhung, để mọi người yêu mến, và thường xuyên chọn mua bánh của mình làm ra thì không những bánh chưng phải thơm, ngon, giữ được đúng hương vị truyền thống mà vỏ ngoài gói cũng phải thật gọn gàng, đẹp mắt, đặc biệt, chiếc bánh phải giữ được màu xanh như màu của lá dong từ ngoài vào trong. Ngoài việc phải dùng lá tươi và khi gói phải dùng mặt lưng của lá dong để gói và cô luôn dùng chiếc nồi bằng tôn để luộc bánh từ hàng chục năm nay. Có lẽ đó là bí quyết khiến bánh chưng của cô luôn ngon, xanh và đẹp mắt. Sau khi xếp thật chặt 60 chiếc bánh vào nồi, củi được chất đầy bếp, cô Nhung nhóm lửa và thời gian luộc bánh bắt đầu được tính. Bình thường, cô chỉ luộc 8 giờ, vì luộc xong cô vớt ra đem ra chợ bán luôn cho khách hàng được ăn lúc bánh còn nóng. Nhưng hôm nay, bánh làm theo đơn đặt hàng, gói to hơn và cần để lâu ngày hơn nên cần đun kỹ hơn, do đó, cô bảo sẽ luộc trong 10 giờ.

Tôi nhận “nhiệm vụ” đun lửa cho nồi bánh chưng, chú ý làm theo từng lời cô dặn, lúc đầu đun lửa to, khi sôi giữ lửa cháy âm ỉ cho bánh nhừ. Nước cạn đến đâu đổ thêm vào ngập bánh đến đó, cứ như thế, tôi ngồi canh nồi bánh chưng, còn cô Nhung lại tiếp tục “công cuộc” gói bánh của mình cho kịp đơn hàng đã hẹn. Chia tay cô Nhung, tôi còn được cô tặng một chiếc bánh làm quà, cầm chiếc bánh chưng trong tay, hương vị truyền thống – bánh chưng xanh làm cho cảm giác hân hoan chờ đón Tết cổ truyền của dân tộc như được lan toả.

Bài, ảnh: Hoàng Thương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết