Tôn vinh người thầy

07:00 20-11-2017 | :1629

Laocaitv.vn - Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 là dịp để chúng ta tôn vinh người thầy, những người đã có công nuôi dạy lớp lớp học sinh, sinh viên trưởng thành theo năm tháng. Tôn sư trọng đạo vẫn là truyền thống quý báu bao đời nay của dân tộc Việt Nam. 20 tháng 11 đến, đây được coi là cái mốc quan trọng của các thầy cô giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục rèn mình để người thầy luôn được xã hội tôn kính. Người thầy giỏi giang, đức độ sẽ tạo ra những lớp học sinh tài hoa, đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng và bảo vệ đất nước. Người thầy mẫu mực trong hệ thống giáo dục Việt Nam quan trọng đến nhường nào.  

Có thầy giỏi, ắt phải có trò giỏi. Thời nào cũng vậy. Vì thế cho nên nuôi dưỡng hiền tài phải trở thành nguyên khí quốc gia. Hiền tài có nhiều thì đất nước mới phát triển được. Các cụ dạy không sai: Không thầy đố mày làm nên. Ở lĩnh vực nào đi chăng nữa cũng phải có học mới biết. Nếu không học, thậm chí người ta đưa cho cuốn sách ngược cứ tưởng cầm xuôi. Người thầy quan trọng là thế. Đúng là: một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Người thầy là tất cả. Người thầy là quan trọng vào bậc nhất trong tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội. Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: Nghề dạy học là nghề cao quý vào bậc nhất trong các nghề cao quý. Là nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo. Vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo. Câu nói của ông đã đi vào lịch sử và nâng cánh cho ngành giáo dục, đào tạo nước nhà; trở thành nghề đặc biệt vừa nuôi dạy con người về vốn kiến thức, vừa nuôi dạy con người về vốn sống và nhân cách. Một nền giáo dục, đào tạo toàn diện sẽ tạo ra những con người toàn diện. Đất nước thời chiến tranh, chúng ta có những người lính ra trận với những cách đánh sáng tạo, ít người mà tiêu hao nhiều sinh lực địch. Đất nước thời bình, chúng ta lại có lớp người rất giỏi về khoa học kỹ thuật. Đủ điều kiện vươn lên hội nhập với khu vực và trên thế giới. Hệ thống giáo dục Việt Nam từ Mẫu giáo, Mầm non đến bậc Tiểu học, Trung học phổ thông rồi các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp đều có nhiều thầy giỏi. Đó là những người thực sự mẫu mực, thể hiện phẩm chất, tài năng, đức độ người thầy. Đó là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Người thầy đáng được tôn vinh. Người thầy đáng được quý trọng. Lớp lớp học sinh, sinh viên có trưởng thành được đều từng ngồi trên ghế nhà trường. Dưới sự dạy dỗ, chỉ bảo tận tình của các thầy, các cô. Không có sự trưởng thành nào toàn đi trên con đường trải đầy hoa hồng. Tất cả đều phải khổ luyện thành tài. Qua bao chông gai, gian nan, vất vả, khó nhọc mới có được kiến thức đầy mình để áp dụng vào cuộc sống thực tiễn. Tât cả sự trưởng thành đó, đều có công lao không nhỏ của các thầy cô giáo.

Tấm lòng các thầy cô giáo đang thắp lên những ước mơ tươi sáng cho các em nhỏ vùng cao

Tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu từ nghìn đời nay của dân tộc Việt Nam. Trải qua những thăng trầm, biến cố của thời gian, bối cảnh lịch sử, nhưng truyền thống ấy vẫn mãi trường tồn, luôn được vun đắp và ngày càng mang ý nghĩa sâu sắc. Ngày nay, khi cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư tốt hơn, thì việc dạy, việc học đã có những thay đổi đáng kể. Tất cả hướng tới vì mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo. Ở đó không nằm ngoài hệ thống Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò.

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, hệ thống giáo dục đã được củng cố và từng bước vững chắc. Đáng chú ý là sau 26 năm tỉnh Lào Cai được tái lập lại. Giáo dục, đào tạo được ưu tiên đầu tư hàng đầu. Ở đó hệ thống trường lớp rất khang trang, sạch sẽ, thoáng mát. Về cơ bản, học sinh không còn phải học 3 ca, không còn những phòng tranh tre, nứa lá học tạm. Ở đó có một lực lượng thầy cô rất hùng hậu, đang ngày đêm chăm lo cho các em từng bước trưởng thành. Tuy còn vất vả, khó khăn, đồng lương và điều kiện sống còn hạn hẹp nhưng các thầy cô giáo đều miệt mài, hết lòng chăm lo cho các em khôn lớn. Những thầy cô đi cắm bản, những thầy cô ở vùng sâu, vùng xa chịu rất nhiều thiệt thòi so với các thầy cô nơi đô hội. Song vượt lên trên hết, tất cả vì các em học sinh thân yêu. Nếu thiếu các thầy cô, các em sẽ vấp phải những khó khăn trong bước đi của mình. Các thầy cô giáo đó đáng được tôn vinh, các thầy cô giáo đó đáng được ca ngợi. Đặc biệt là trong dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 này. Nói rộng ra, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, sống nơi đô thành thì ai sẽ chịu sự gian khổ. Phải có những thầy cô giáo dám hy sinh mới có thể ngày đêm cắm bản lo dạy chữ, lo rèn người cho các em vùng cao ở tất cả các vùng miền. Những người như thế đáng được ngợi ca, tôn vinh hơn so với vùng khác.

Lào Cai là đất học được ca ngợi từ nghìn xưa. Ở vùng đất nghèo khó này sản sinh ra rất nhiều người con ưu tú đóng góp cho đất nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tất cả những người con ưu tú ấy đều ngồi trên ghế nhà trường có những thầy cô tận tình chỉ bảo. Qua đó một lần nữa khẳng định rằng công lao người thầy là hết sức to lớn và quan trọng đối với mỗi lứa học sinh trưởng thành.

Còn rất nhiều điều đáng bàn về việc học, việc thi, việc thầy, việc trò…nhưng chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, không gì khác là chúng ta tôn vinh các thầy cô giáo, người đã có công nuôi dưỡng các lớp học sinh, sinh viên trưởng thành, vì một Việt Nam tươi sáng. Ở đâu có thầy giỏi, ở đâu có thầy đạo đức, nhân cách thì ở đó sẽ có những trò xuất sắc, sẵn sàng làm nên việc lớn trong tương lai. Tôn vinh người thầy thực chất là tôn vinh sự nghiệp giáo dục, đào tạo Việt Nam. Ở đó có những thầy cô giỏi tạo ra những nhân tài đất nước. Hiền tài là nguyên khí quốc gia.

Nguyễn An Chiến


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết