Trọn đời với cây đàn tính, điệu hát then

20:47 20-08-2019 | :3398

Laocaitv.vn - Đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật hát then nói riêng, các nghệ nhân đóng vai trò quan trọng, họ chính là các di sản “sống” lưu giữ, truyền dạy để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương. Điều đặc biệt là mỗi tỉnh thành và tộc người (Tày, Nùng) lại có giai điệu đặc trưng riêng mà khi tiếng hát cất lên, chúng ta có thể nhận ra sự khác biệt. Ví như hát then của người Tày ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần, phong tục tập quán và tín ngưỡng từ lâu đời, vì thế, mỗi khi cất tiếng hát lên đều được người dân nơi đây, từ trẻ đến già yêu mến và cảm thấy gần gũi, thân thiết.

Nghệ nhân Lương Văn Nguyệt (thứ 2 từ trái sang) đang say sưa giới thiệu về cây đàn tính.

Về thăm bản Tày xã Phú Nhuận hôm nay, mới thấy được sức vươn của Phú Nhuận kể từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, điều nhận thấy rõ nét nhất là bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong xã được giữ gìn và phát huy. Tại thôn Nhuần 3, khi câu lạc bộ chưa thành lập, cả xã chỉ có một vài người biết hát then, chơi đàn tính. Với tâm huyết và mong muốn bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, họ đã dần tập hợp thu hút những người yêu thích hát then ở các thôn, bản trong xã, cùng nhau tập luyện và biểu diễn. Đến nay, riêng câu lạc bộ hát then, đàn tính xã Phú Nhuận đã có 39 thành viên, không chỉ có các cụ già, câu lạc bộ còn thu hút các em nhỏ thường xuyên đến tập luyện. Nói đến những người hát then, đánh đàn tính giỏi của xã Phú Nhuận, không thể không nhắc đến nghệ nhân Lương Văn Nguyệt, cụ năm nay 80 tuổi, người đã gắn bó cả cuộc đời với then. Ông sinh ra và lớn lên giữa bản, làng người Tày, ngay từ nhỏ ngọn lửa đam mê hát then, đàn tính đã ngấm vào máu thịt qua lời hát ru của bà, tiếng đàn tính của cha, chính là cơ duyên để ông trở thành truyền nhân của làn điệu then. Những bài hát do ông đặt lời đã mang hơi thở mới, phản ánh sinh động cuộc sống của người dân vùng nông thôn, về xây dựng nông thôn mới, ca ngợi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và ca ngợi quê hương, đất nước, con người. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình, cụ Nguyệt kể: "Không ai nhớ được đồng bào Tày di cư đến đây từ bao giờ, chỉ biết rằng từ khi sinh ra, đời ông, đời cha đã gắn bó với mảnh đất này. Hát then của người Tày cũng vậy, cứ cha truyền con nối, tôi là thế hệ thứ 4 được truyền dạy về then của dân tộc mình".

Hát then gắn bó và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Tày.

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng cụ Nguyệt vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn, theo lời cụ Nguyệt thì hát then gắn bó và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Tày. Múa hát then xuất phát từ nghi lễ then, một loại hình văn hóa phi vật thể được lưu truyền qua bao đời và tồn tại đến ngày nay. Nghệ thuật then mang màu sắc tín ngưỡng mà người Tày gửi gắm trong đó những mong muốn tốt lành, cầu mong cho gia đình, cộng đồng luôn mạnh khỏe, mùa màng bội thu. Điều này được thể hiện rõ qua những bài then cổ như: Then giải hạn, Then gọi vía, Then cầu an...  Vừa kể chuyện, cụ Nguyệt vừa nâng cây đàn tính gảy và bắt đầu cất lên bài then cổ gọi vía cho chúng tôi nghe, cụ khoe: "Đây là tiết mục đoạt giải B tại Liên hoan Nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ 6 tổ chức tại tỉnh Hà Giang hồi tháng 5/2018". cụ Nguyệt bảo: "Múa hát then đã đi cùng cụ suốt cuộc đời, đón bao mùa xuân tới. Không biết còn sống được bao lâu, chỉ biết rằng nếu còn sức khỏe, cụ còn tiếp tục hát, tiếp tục truyền lửa để then sống mãi với đời".

Để di sản hát then được bảo tồn và phát huy sâu rộng trong cộng đồng, thời gian qua làn điệu hát then đã được đưa vào các trường học trong xã để thế hệ trẻ được học, được hiểu và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Sự khéo léo lồng ghép nghệ thuật hát then vào các hoạt động ngoại khóa đã không chỉ đem lại kiến thức, hiểu biết về giá trị tinh hoa của dân tộc mình mà còn truyền cảm hứng vào tâm hồn các em. Từ những em nhỏ 6 - 7 tuổi đến những thanh niên tuổi đôi mươi đều yêu thích hát then, sự cần mẫn trao truyền của thế hệ đi trước trong việc hướng dẫn, dạy thế hệ sau học hát then, chơi tính tẩu đã nhen lên trong lớp trẻ tình yêu và ý thức gìn giữ nét văn hóa của dân tộc Tày. Đặc biệt vào dịp những ngày lễ lớn, Trường Tiểu học số 3 xã Phú Nhuận lại tổ chức cho học sinh tập luyện và biểu diễn những làn điệu hát then. Em Đỗ Kiều Trang, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học số 3 xã Phú Nhuận chia sẻ: " Việc tổ chức dạy hát then trong trường học giúp chúng em hiểu rõ hơn về những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại, từ đó nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và gìn giữ nét văn hoá độc đáo đó". 

Hát then và đánh đàn tính đã được đưa vào trường học trong các tiết học ngoại khóa, để bảo tồn và phát huy sâu rộng trong cộng đồng.

Cô Bùi Thị Bích, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Phú Nhuận cho biết: "Trước nguy cơ văn hóa then có thể bị mai một, trường đã chọn cách đưa then vào để giảng dạy trong các tiết học ngoại khóa. Đến nay nhiều học sinh của trường sau khi tham gia lớp học có thể đánh được đàn tính và hát những làn điệu then cơ bản. Đa số các em đều thấy gần gũi và hiểu được giá trị cũng như ý nghĩa của các bài hát then, vì nó có trong đời sống của đồng bào Tày từ bao đời nay".

Đến xã Phú Nhuận, bạn có thể tham quan Đền Cô Ba, tìm hiểu những ngôi nhà sàn độc đáo, khám phá ẩm thực thú vị của người Tày, cùng đắm mình vào không gian then, tiếng đàn tính lúc trầm, lúc bổng hòa quyện vào giọng hát mượt mà, đi vào lòng người sẽ là trải nghiệm đáng nhớ cho những ai từng đến nơi đây./.

                                                                                      Bài, ảnh: Duy Trinh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết