Tưng bừng Lễ hội đền Vạn Hòa

14:20 23-02-2018 | :2443

Laocaitv.vn - Đến hẹn lại lên, cứ đến ngày mùng 8 tháng giêng, bà con nhân dân trong xã cùng đông đảo du khách thập phương lại tề tựu về thôn Cánh Chín, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai để tham dự Lễ hội đền Vạn Hòa. Lễ hội đã được diễn ra trong không khí trang nghiêm và thực sự trở thành ngày hội đối với người dân trên địa bàn xã Vạn Hòa.

Lễ hội thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương. (Ảnh: Trung Kiên)

Đền Vạn Hòa toạ lạc tại thôn Cánh Chín, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai. Đền được hình thành từ năm 1940, do nhân dân dịa phương xây dựng với nền tảng tâm linh là điển tích về Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tương truyền cách đây hơn 700 năm, khi quân phương Bắc xâm chiếm nước ta, nơi đầu tiên phải hứng chịu sự tàn phá, quấy nhiễu của quân xâm lược là phố Bảo Thắng, châu Thủy Vĩ, tỉnh Hưng Hóa (nay là phường Lào Cai, thành phố Lào Cai). Khi đó, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã nhận lệnh triều đình cùng binh sỹ theo đường thủy (dọc sông Hồng) lên chiến đấu, dẹp giặc phương Bắc, giữ yên bờ cõi. Để tưởng nhớ và đền đáp công ơn dẹp tan quân xâm lược, năm 1940, nhân dân xã Vạn Hòa đã lập lên Đình làng tại thôn Cánh Chín, thờ vọng Đức Thánh Trần và làm nơi hội họp của nhân dân. Năm 1980, nhân dân trong vùng đã xây dựng riêng một gian miếu nhỏ để thờ vọng Đức Thánh Trần. Đến năm 2005, nơi đây đã được UBND thành phố Lào Cai quyết định tôn tạo nâng cấp đền Vạn Hòa. Bên cạnh ngôi đền là Nhà Bia tưởng niệm ghi công ơn 49 liệt sĩ quê hương Vạn Hòa đã hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Phần Lễ tế trong không gian đền Vạn Hòa. (Ảnh: Trung Kiên)

Đền Vạn Hòa nằm trong Quần thể di tích lịch sử cách mạng, văn hóa Đền Thượng - Đền Cấm - Đền Đôi Cô - Khu căn cứ cách mạng Cam Đường, hình thành chuỗi du lịch lịch sử, tâm linh, hướng về cội nguồn dân tộc Việt. Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn đó, năm 2017,  đền Vạn Hòa là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đảm bảo an ninh, chính trị; giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân.

Trò chơi bịt mắt bắt lợn tại lễ hội. (Ảnh: Trung Kiên)

Lễ hội năm nay, ngoài phần lễ rước kiệu, rước mâm lễ, dâng hương là phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống tạo nên không khí náo nhiệt, hồ hởi như: Kéo co, ném còn, đẩy gậy, bóng chuyền, bịt mắt bắt lợn...đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách thập phương./.

Trung Kiên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết