Phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong nâng cao kỹ năng cho học sinh

20:14 14-04-2023 | :936

Laocaitv.vn - Trong giáo dục, người giáo viên chủ nhiệm được ví như chiếc cầu nối đa chiều giữa học sinh với gia đình và nhà trường. Đặc biệt, ở những địa bàn vùng khó như tại Lào Cai, trong môi trường nội trú, bán trú, mỗi thầy cô chủ nhiệm còn như những người cha, người mẹ giáo dục cho học sinh những kỹ năng sống cần thiết, để các em định hình, định hướng tính cách, từ đó phát triển toàn diện cả về tri thức lẫn nhân cách. 

Em Huyền rất tự tin khi tham gia các hoạt động của trường.

Giàng Thị Minh Huyền xa nhà, xuống ở bán trú ngay khi vào lớp 1. Nhờ sự quan tâm của các thầy cô, nhất là cô giáo chủ nhiệm, chỉ qua 1 năm học, em đã tự tin đọc thơ, kể chuyện, học tập tốt. Em Giàng Thị Minh Huyền, học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học Lùng Phình 2, huyện Bắc Hà chia sẻ: "Ngày đầu tiên, em nhớ nhà em khóc nhiều lắm. Cô giáo xuống khu bán trú, dỗ em là đừng khóc nữa, ở đây cô sẽ dạy nhiều điều hay, có nhiều bạn rất là vui". 

Lên vùng cao Bắc Hà nhận công tác mới tròn 1 năm, cô giáo Ngọc Ánh đã được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp 7. Phút bỡ ngỡ ban đầu qua đi, cô giáo trẻ nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ chủ nhiệm bằng cách trở thành “người bạn” của chính các em học sinh. Cô giáo Bùi Ngọc Ánh, giáo viên Trường PTDT bán trú TH và THCS Bản Liền, huyện Bắc Hà cho biết: "Tôi phải tìm hiểu từ văn hóa, cách sinh hoạt của các bạn ý. Vì các em đang tuổi lớn, tâm sinh lý rất phức tạp, đôi khi suy nghĩ chưa chín chắn, mình phải quan tâm, trò chuyện với các em nhiều hơn". 

Ngoài giờ học trên lớp cô Ánh còn tham gia các hoạt động của học sinh để nắm bắt tâm tự nguyện vọng của từng em.

Học sinh mỗi độ tuổi lại có những đặc điểm tâm lý khác nhau. Các thầy cô chủ nhiệm cần thực sự tinh tế, nắm bắt được tâm tư, tình cảm của các em, tháo gỡ những khó khăn. Giúp các em xem trường học, lớp học như ngôi nhà chung để học tập, rèn luyện vui chơi, phát huy được hết khả năng của mình trước tập thể. Cô giáo Lê Thị Huế, giáo viên Trường THCS thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát cho biết: "Giáo viên chủ nhiệm cũng giống như người mẹ, mà người mẹ ấy lại có rất nhiều con, phải làm sao hiểu được từng em muốn gì, nghĩ gì. Ở trường, giáo viên chủ nhiệm phải là người gần gũi nhất, thân cận nhất, yêu mến nhất với các em".

Chị Đỗ Thị Thiệp, xã Mường Hum, huyện Bát Xát cho biết: "Cô giáo chủ nhiệm làm tôi thấy rất yên tâm khi gửi gắm con mình. Các cô liên hệ, kết nối với gia đình thường xuyên qua điện thoại, Zalo. Chúng tôi rất cảm ơn". 

Mới đây, ngành Giáo dục đã tổ chức Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, thu hút sự tham gia của gần 170 thầy cô. Những sân chơi bổ ích như thế là cơ hội để các thầy cô giáo trau dồi thêm kĩ năng, kinh nghiệm, áp dụng vào thực tế công tác chủ nhiệm, sẵn sàng đồng hành cùng học sinh trên bước đường chinh phục tương lai.

Thu Hường – Lương Mạnh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết