Tết sớm với đồng bào nơi rẻo cao

07:53 04-02-2021 | :1016

Mời quý độc giả nghe audio tại đây: 

Laocaitv.vn - Những ngày cuối năm, khi những cành đào đua nhau khoe sắc tô điểm cho núi rừng thêm lung linh, huyền ảo cũng là thời điểm đồng bào dân tộc vùng cao chuẩn bị mổ lợn, đón Tết vui xuân. Những nét độc đáo trong tục mổ lợn Tết của bà con các dân tộc đã góp phần tô điểm cho đời sống văn hóa, tinh thần của Lào Cai thêm đa dạng, phong phú.

Sau khi mổ lợn xong một phần thịt sẽ được để lại treo trên gác bếp, ăn dần.

Dưới những nếp nhà trình tường cổ kính, rêu phong, bà con thôn Thu Lao, xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai đang mổ lợn ăn Tết. Lợn được mổ ngay trên tấm phản trước ban thờ để báo công với tổ tiên về thành quả năm cũ, cầu mong một năm mới làm ăn gặp nhiều may mắn thuận lợi. Ông Séo Sao Lẻng, thôn Sán Chá, xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai chia sẻ: “Nhà nào khó khăn thì mổ 1 con, nhà nào có điều kiện hơn thì mổ 2 con. Lợn sau khi mổ xong, thịt thì làm bánh, ngày 30 Tết đặt lên bàn thờ thờ cúng tổ tiên”.

Còn ở bản người Mông của vùng cao Quan Hồ Thẩn, gia đình ông Chấu Seo Quả đang mổ con lợn nặng gần 1 tạ, mời cả thôn Mản Thẩn cùng đến chung vui. Không khí ngày xuân cũng ngập tràn trong những bữa cơm ấm tình đoàn kết. Ông Chấu Seo Quả phấn khởi chia sẻ: “Mổ lợn thế này thì vui mà, không chỉ nhà tôi ăn mà có cả anh em, làng xóm. Cứ đến Tết là lại đi từng nhà, cùng ăn cơm với nhau”.

Ngày Tết anh em, làng xóm quây quần bên mâm cơm, chúc nhau mọi điều tốt lành.

Năm qua, người nông dân ở vùng cao Lào Cai đã trải qua một năm không dễ dàng, khi thiên tai, dịch bệnh hoành hành. Vậy nhưng, trong những ngày cuối năm, bà con vẫn tạm gác những bộn bề, lo toan trong cuộc sống, cùng mổ lợn, gói bánh và đón một cái Tết đoàn viên. Chị Lồ Gỉn Lề, thôn Páo Tủng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương cho biết: “Gần Tết rồi, cũng phải kiếm tiền để mua sắm. Không cố gắng lên thì ngày Tết buồn lắm, khổ lắm. Tôi mong muốn sang năm mới lại tiếp tục chăn nuôi, phát triển, cố gắng đầu tư để làm ăn tốt hơn”.

Mổ lợn Tết không phải là phong tục riêng mà là nét đón xuân của đa phần đồng bào dân tộc vùng cao. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ngày Tết rẻo cao vẫn rộn ràng và vui tươi. Những bữa cơm ngày Tết luôn tràn đầy tiếng cười, thể hiện niềm lạc quan, hân hoan của bà con vùng cao, cùng nhau hướng tới một năm mới nhiều thắng lợi.

Thu Hường - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết