Biến phụ phẩm lâm sản thành viên nén xuất khẩu

08:20 21-05-2025 | :42

Laocaitv.vn - Phụ phẩm từ ngành chế biến gỗ như vỏ cây, cành, ngọn, ván rác… thường bị xem là phế thải, phải tốn chi phí xử lý. Tại huyện Bảo Yên, một số cơ sở sản xuất chế biến những nguyên liệu tưởng chừng bỏ đi này thành viên nén sinh học để xuất khẩu. Ghi nhận của phóng viên tại xưởng sản xuất viên nén thuộc xã Minh Tân.

Tại bản Bon 4, xã Minh Tân, xưởng sản xuất viên nén của Công ty TNHH MTV Thương mại Tiến Linh (ảnh trên) thu mua khoảng 800 tấn/tháng phụ phẩm từ rừng trồng như vỏ cây, cành, mùn cưa, lõi tu, ván rác… Qua công đoạn băm, nghiền, sấy và ép, xưởng cho ra từ 300 - 400 tấn viên nén sinh học. Phần lớn sản phẩm được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao. Ông Đỗ Tiến Thoại, Công ty TNHH MTV Thương mại Tiến Linh cho biết: Đây là nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, xu thế phát triển tốt. Sản phẩm này có rất nhiều ứng dụng, sử dụng trong trang trại, đốt lò, sưởi ấm; hệ thống sưởi của châu Âu, hệ thống đốt lò của Nhật Bản. Ở Việt Nam, mình dùng cho hệ thống đốt nồi hơi, viên nén, cung cấp cho khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang, thay thế dần cho than đá.

Trên địa bàn huyện Bảo Yên hiện có hơn 40.000 ha rừng trồng sản xuất, hơn 40 cơ sở chế biến lâm sản. Các cơ sở này tiêu thụ từ 25.000 - 30.000 m3/năm gỗ, đồng nghĩa với một lượng lớn phụ phẩm cần được xử lý. Việc hình thành và phát triển các cơ sở sản xuất viên nén như tại xã Minh Tân là một giải pháp hiệu quả để tận thu, giảm thiểu chất thải, đồng thời, nâng cao giá trị kinh tế từ rừng trồng. Hiện, giá xuất bán viên nén tại xưởng là hơn 2 triệu đồng/tấn, đem lại doanh thu ổn định cho doanh nghiệp. Ông Phạm Hồng Thái, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên cho biết: Tôi đánh giá cao mô hình sản xuất viên nén từ các phụ phẩm của lâm sản như củi, cành, ván rác từ các cơ sở chế biến ván bóc, để đưa về chế biến, góp phần bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người dân trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp và theo hướng bền vững.

Phụ phẩm từ ngành chế biến gỗ nay biến thành viên nén sinh học để xuất khẩu. 

Không chỉ mang lại hiệu quả về môi trường và kinh tế, mô hình sản xuất viên nén còn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tại xưởng hiện có 9 lao động địa phương làm việc ổn định, với mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng mỗi tháng. Anh Đặng Văn Thiệu, xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên cho biết: Trước đây, tôi làm nông, trồng trọt, tôi đã làm việc ở xưởng được 3 năm, công việc bảo dưỡng, sửa chữa máy, sản xuất trong nhà máy, so với trước đây ổn định hơn, không vất vả.

Tận dụng tài nguyên sẵn có, chuyển đổi tư duy từ “phế phẩm” thành “sản phẩm”, mô hình sản xuất viên nén từ phụ phẩm gỗ rừng tại Bảo Yên góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, đồng thời tạo sinh kế ổn định cho người dân địa phương.

Kim Thoa – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết