Biến rơm, rạ thành phân bón hữu cơ ngay tại ruộng

09:41 13-06-2019 | :2517

Laocaitv.vn - Vụ mùa năm 2019, Hội Nông dân huyện Bát Xát triển khai thử nghiệm mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri trên đồng ruộng, với mong muốn góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, xử lý rơm, rạ thành phân bón, cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa ở những vụ tiếp theo.

Sau khi thu hoạch lúa, nông dân sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri để biến rơm, rạ thành phân bón

Chế phẩm vi sinh Sumitri dùng để phân hủy Cellulose trong rơm, rạ, sau khi thu hoạch lúa, nông dân sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri với liều lượng khoảng 125 g/sào, kết hợp với phân bón lót hoặc bón thúc sớm hoặc trộn với 3 - 5 kg đất bột rải đều trên mặt ruộng trước khi cày ải. Sản phẩm có công dụng phân giải nhanh các chất hữu cơ như rơm, rạ, xác động, thực vật, chất thải nông nghiệp… thành chất mùn, chất dinh dưỡng để cây lúa phát triển. Anh Nguyễn Văn Cường, thôn Bản Vai, xã Bản Qua, huyện Bát Xát chia sẻ: “Sau khi được Hội Nông dân xã triển khai tôi đã đăng ký tham gia mô hình, kết quả chỉ sau 7 ngày sử dụng rơm, rạ trong ruộng đã mục nhuyễn hết. Lội ruộng thấy bùn đất mềm hơn so với các ruộng không xử lý vi sinh Sumitri. Tôi mong muốn ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ chế phẩm Sumitri cho bà con nông dân để xử lý rơm, rạ trong các vụ tiếp theo”.

Việc xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ ngay tại ruộng sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường

Vụ mùa năm nay, Hội Nông dân huyện Bát Xát triển khai mô hình tại 3 xã Bản Qua, Cốc San và Cốc Mỳ cho 9 hộ dân tham gia với quy mô 4 ha. Do là vụ đầu thử nghiệm nên chế phẩm Sumitri sẽ được hỗ trợ 100%, sau khi mô hình thành công Hội Nông dân huyện sẽ nhân rộng mô hình cho các xã khác trên địa bàn. Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bát Xát cho biết: “Việc xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ ngay tại ruộng sẽ làm cho tình trạng xả thải rơm, rạ xuống kênh mương, gây ách tắc dòng chảy, đặc biệt việc đốt rơm, rạ trên các trục đường giao thông, làm cản trở phương tiện đi lại và gây ô nhiễm môi trường không còn nữa”.

Việc đưa nhanh các chế phẩm sinh học và vi sinh vào canh tác lúa và rau màu giúp bà con nông dân dần tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, đồng thời tránh việc nhà nông đang lạm dụng hoá chất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác. Đây cũng là một hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Quang Phấn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết